Người dân còn chủ quan thì rất khó chống dịch
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến nhanh và nhiều bệnh nhân trở nặng tại Hà Nội, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Đinh Vạn Trung - nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
PV: Tầm quan trọng của các biện pháp phòng, chống SXH như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Đinh Vạn Trung: SXH là bệnh đặc thù lây truyền qua véc tơ là muỗi vằn. Đây là bệnh lây từ người sang người qua muỗi. Nói một cách dễ hiểu là muỗi vằn hút máu của người mắc bệnh và sẽ lây sang người lành khi hút máu của người đó. Đây là loại muỗi sống ở nước sạch, có thể nói chỉ cần 1 cái cốc, một cái vỏ xe đọng nước thì muỗi sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Như vậy, có thể khẳng định, không có loăng quăng thì sẽ không có muỗi, không có muỗi thì sẽ không có SXH. Do vậy, diệt loăng quăng, diệt muỗi là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống SXH. Có một thực trạng là vào đầu mùa dịch hầu hết người dân đều chủ quan, lơ là với SXH, chỉ đến khi dịch bùng phát, xuất hiện những ca tử vong thì mới dần chú ý tới việc phòng, chống dịch.
Đồng thời, một thực tế khác là chỉ những người đã từng bị SXH hay những người có người thân, người nhà mắc SXH mới biết được khi mắc bệnh thì mệt mỏi và nguy hiểm thế nào, rất nhiều người chưa mắc SXH vẫn còn thờ ơ, chỉ nghĩ rằng sau vài ngày bệnh tự khỏi, dù các bác sĩ đã cảnh báo nhiều lần. Bởi vậy dẫn tới tình trạng số ca bệnh nặng, tử vong do nhập viện muộn chiếm tỷ lệ rất lớn trong thời gian qua.
Do đó, để phòng, chống SXH việc đầu tiên là tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân biết tác hại và các biện pháp phòng SXH để họ hiểu, không còn chủ quan, xem thường và tích cực phòng, chống. Nếu người dân lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho việc phòng, chống bệnh. Cần nhấn mạnh, hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh SXH, nên phòng ngừa là cách duy nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
Thời gian qua không ít người đã phải nhập viện, thậm chí tử vong vì những quan niệm sai lầm hoặc quá coi thường căn bệnh này. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Nhiều bệnh nhân SXH thường lầm tưởng rằng hết sốt là khỏi bệnh, nên chủ quan không thăm khám lại cho đến khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Thực chất, SXH thường diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Trong đó, giai đoạn sốt, thường trong 3 ngày đầu của bệnh với những biểu hiện, sốt cao đột ngột 39-40 độ C; Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên; Chán ăn, cảm giác buồn nôn và nôn; Da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da. Giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết), thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra. Giai đoạn hồi phục, bệnh nhân hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tổng thể khỏe lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.
Sai lầm của đại đa số bệnh nhân khi điều trị chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu như sốt cao thì tìm mọi cách hạ sốt, khi cơn sốt đã ngắt thì không đi thăm khám lại, chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu lợi,… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Một số trường hợp thăm khám muộn, tiểu cầu đã suy giảm nghiêm trọng, không chỉ xuất huyết niêm mạc mà còn xuất huyết cả nội tạng. Có người rối loạn đông máu nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Chính vì vậy, khi bệnh nhân có biểu hiện: Sốt, phát ban, đau đầu, đau mắt, đau cơ xương khớp,... cần đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để thăm khám.
Đặc biệt lưu ý trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch SXH, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh này.
Trân trọng cảm ơn ông!