Bộ GDĐT chỉ ra 5 phương thức xét tuyển có thí sinh nhập học thấp nhất
5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét qua phỏng vấn, xét thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thi văn hóa ở các trường.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT ngày 30/11, kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua, có 5 phương thức số lượng thí sinh nhập học cao nhất và 5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất.
Cụ thể: 5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác.
5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét qua phỏng vấn, xét thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thi văn hóa ở các trường.
Cụ thể kết thúc tuyển sinh đợt 1, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học thể hiện kết quả khả quan. Riêng khối đại học, trong số 564.735 thí sinh trúng tuyển có 463.123 nhập học, bằng 90% của năm 2021 và vượt số lượng cả năm 2020. Trong số 224 trường đại học, 149 đơn vị có tỷ lệ nhập học tính trên số thí sinh trúng tuyển đạt trên 80%, chiếm 76,6%. Công tác tuyển sinh được thực hiện đảm bảo an toàn, công khai minh bạch, đúng quy chế.
Đánh giá về những khó khăn khi xét tuyển, Bộ GD&ĐT cho biết, một số trường đại học đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển, gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Về định hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.
"Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1", báo cáo nêu.