Theo các cao niên, người dân trong thôn Quyết Thắng (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã biết làm hương cách đây khoảng 300 năm, tuy nhiên, lúc đó họ mới chỉ biết làm hương bằng loại lá hương reng trên núi. Đến vào khoảng năm 1968, khi vô tình biết được loại cây trầm có mùi hương thơm dễ chịu, bớt đau đầu, căng thẳng, có thể đuổi được muỗi họ đã kết hợp với lá hương reng tạo nên loại hương trầm cho đến ngày nay. Từ đó, kỹ thuật làm hương trầm ngày một tiến bộ, kỹ thuật quấn trầm cũng được cải tiến hoàn thiện dần theo thời gian. Càng về sau, một số phụ gia cũng được bổ sung sao cho vừa ý người mua. Và nghề sản xuất hương trầm được phổ biến rộng rãi cho bà con. Để làm nên cây hương trầm đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu, trải qua các bước vô cùng công phu. Một số loại thảo mộc như: lá hương reng, gốc trầm hương, quế chi… là thành phần làm ra bột hương. Các nguyên liệu này được đem nghiền nhuyễn rồi trộn tất cả với mạt cưa (mùn cưa) và keo theo tỉ lệ chuẩn để hình thành nên cây hương. Để giúp cây hương cứng chắc và không bị mọt, thân hương được làm từ cây tre lồ ô non và được ngâm lâu trong nước giúp loại bỏ bớt chất xơ. Đó là bí quyết để đậu cuốn tàn tự nhiên mà không cần dùng hóa chất. Gọi những người dân nơi đây là "nghệ nhân” bởi đây là nghề lắm công phu và đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo. Đôi tay với động tác chẻ tre điêu luyện, có thể ước chừng đúng tỉ lệ dài, rộng của thanh tre. Hay để có cây hương tròn đều, tay người thợ phải thoăn thoắt, dứt khoát trên bàn se. Khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất là phơi khô. Những nén hương sau khi se xong đem phơi dưới ánh nắng từ 2 đến 3 ngày, nhằm đảm bảo độ cháy đều. Quan sát tất cả quá trình làm nhang mới thấy sự tài nghệ của các nghệ nhân. Từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ tăm tre, trộn bột, đến se nhang... tất cả phải làm thủ công. Sau khi thành phẩm, nén hương đạt tiêu chuẩn thắp lên sẽ nhanh bắt lửa, tỏa mùi thơm và cháy uốn cong như bông hoa. Nghề làm hương là nghề phụ khi nhàn rỗi của người dân thôn Quyết Thắng, cứ vào tháng 7 (âm lịch) người dân lại mua tre non mới khắm lá hoặc chưa bóc hết vỏ đem về chẻ mỏng, phơi khô. Đến giữa tháng 10 (âm lịch) thì bắt đầu bước vào làm hương vụ Tết, cứ có nắng là người dân lại tấp nập nhúng hương, phơi khô để đóng gói. Ngồi chăm chút từng que hương trên bàn se, bà Lê Thị Hoa (55 tuổi, ở thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) giãi bày: “Nếu thời tiết thuận lợi, bình quân mỗi ngày tôi làm được tầm 200 cây hương. Thời điểm này người làm hương trầm chúng tôi bắt đầu nhận đơn hàng vụ Tết, những que hương này sẽ được đưa đi vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ”. Được biết, thôn Quyết Thắng có 510 hộ thì đã có 273 hộ có nghề làm hương trầm, nhờ nghề làm hương trầm mà nhiều hộ gia đình nơi đây đã thoát được nghèo. Mỗi bó hương gồm có 100 que, bán ra có giá từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng. Hàng năm, nhà làm ít thì cũng được 20.000 que, nhà làm nhiều thì 50.000 đến 60.000 que.
Đăng Khôi