Sạt lở, triều cường uy hiếp nhiều huyện ven biển Cà Mau

THẾ TRÂN 01/12/2022 19:11

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu khiến cho nhiều nơi ở Cà Mau bị sạt lở, triều cường đã gây ra nhiều thiệt hại, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nỗi lo sạt lở

Đầm Dơi là huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, có địa hình rất thấp so với mặt nước biển nên chịu nhiều tác động của cả 2 chế độ thủy triều, đó là nhật triều và bán nhật triều không đều. Huyện có đường bờ biển dài khoảng 29km, bên trong được chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt, với các cửa sông lớn thông ra biển Đông như, Giá Cao, Gành Hào, Ấp Hạp, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn…

Vì vậy, huyện Đầm Dơi dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu làm tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường nên tình trạng sạt lở đất đã gây ra nhiều thiệt hại trong đời sống sản xuất, phát triển kinh tế của người dân địa phương. Sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến các tuyến lộ giao thông nông thôn, cầu bê tông, kè đê biển, nhà dân ven sông..., đặc biệt làm xói lở đất rừng phòng hộ bị thu hẹp dần qua từng năm.

Sạt lở gây nhiều thiệt hại cho huyện Đầm Dơi.

Anh C. (ngụ xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi) cho biết: “Mùa này trời trở gió chướng, triều cường thường dâng cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Những năm gần đây, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở đất ven bờ sông Đầm Dơi ngày càng gia tăng. Khiến cho việc đi lại của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Đường sá giờ sạt lở xuống sông hết rồi, muốn đi lại cũng khó khăn. Mỗi khi có việc muốn sang nhà anh em kế bên cũng chỉ đi được bằng xuồng. Còn đi xe thì phải đi vòng rất bất tiện, mất nhiều thời gian. Mong sao, cơ quan chức năng sớm có giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp hiện nay”.

Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã xảy ra 97 vụ thiên tai. Trong đó, 76 vụ sạt lở đất ven sông, 19 vụ lốc xoáy, sập hoàn toàn 57 căn nhà, tốc mái, hư hỏng 447 căn nhà; sụp 3 cây cầu bê tông, gây thiệt hại 871m lộ bê tông, 44m lộ nhựa, 3 cống xổ vuông, 1 nhà văn hóa ấp, 10 trụ điện; hư hỏng 1 tàu cá, 1 trạm bơm xăng dầu; thiệt hại 1 ha rau màu; gần 650 tấn muối đang trong giai đoạn thu hoạch; ảnh hưởng đến 566 hộ dân. Ước tổng thiệt hại gần 10 tỉ đồng.

Chia sẻ về tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp tại địa phương, ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi trăn trở: “Hiện nay, tình hình sạt lở đất trên địa bàn huyện xảy ra rất nghiêm trọng. Trong đó, khu vực thường xảy ra sạt lở là cửa biển Gành Hào thuộc xã Tân Thuận; cửa biển Hố Gùi thuộc xã Nguyễn Huân; các tuyến sông lớn có lưu lượng nước, tốc độ dòng chảy cao như tuyến Trưởng Đạo, xã Thanh Tùng, xã Ngọc Chánh; tuyến Khai Hoang, xã Quách Phẩm; tuyến Bàu Sen, xã Tân Duyệt; tuyến sông Đầm Dơi; tuyến kênh Sáu Đông ngã tư Hiệp Bình, xã Tân Đức”.

Một đoạn lộ GTNT bị sạt lở xuống sông

Theo ông Bình, việc phòng chống sạt lở bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân, từng bước khôi phục lại vùng bờ biển là nhiệm vụ khẩn cấp, cần có giải pháp căn cơ để ổn định lâu dài và thực hiện khẩn trương. Huyện Đầm Dơi đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phòng, chống sạt lở. “Đối với giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, hiện nay người dân dọc các tuyến sông, kênh rạch bị sạt lở tự làm kè bê tông, kè tre, kè dừa để chắn sóng, trồng cây mắm và các loại cây sống ngập nước để chống sạt lở ven sông; đóng cọc dọc bờ sông, kênh, rạch, kết hợp việc rà soát lại luồng tuyến sông, vận tải, sắp xếp lại phương tiện cho phù hợp”, ông Bình nói.

Riêng đối với giải pháp xử lý sạt lở bờ biển, lãnh đạo UBND huyện chia sẻ rằng, trong những năm qua, huyện Đầm Dơi vẫn duy trì việc trồng rừng phòng hộ để ngăn sóng, chống sạt lở, bảo vệ đất đai. Ngoài ra, huyện cũng được sự quan tâm của UBND tỉnh Cà Mau trong việc đầu tư xây dựng 1,5km kè biển, hiện đang thi công thêm 600m.

Nhìn vào thực tế, ông Bình thẳng thắn thừa nhận: “Với nguồn lực, điều kiện đầu tư hiện nay không đáp ứng được so với tốc độ ảnh hưởng ngày càng mạnh và bất thường của biến đổi khí hậu, sạt lở năm sau cao hơn năm trước. Để thực hiện những giải pháp căn cơ nhằm hạn chế kịp thời những tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chống sạt lở ven sông, ven biển, bảo vệ đê biển, đất đai, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực bị ảnh hưởng, huyện đã báo cáo lên tỉnh để đề xuất với trung ương, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, quan tâm xem xét hỗ trợ đầu tư 2 dự án cấp bách đó là, kè đê biển Đông với chiều dài 29km (thuộc 3 xã Nguyễn Huân, Tân Tiến và Tân Thuận), với kinh phí 1.250 tỷ đồng; đầu tư xây dựng cống Trưởng Đạo (thuộc địa bàn 2 xã Thanh Tùng, Ngọc Chánh) để ngăn chống tràn, điều tiết dòng chảy, với kinh phí 100 tỷ đồng".

Di dời dân để ổn định đời sống

Theo UBND huyện Đầm Dơi, hiện địa phương đã thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cho 100 hộ dân khu vực nguy hiểm vào khu tái định cư tại xã Tân Thuận (dự án kè cấp bách Tân Thuận). Giai đoạn đến năm 2025, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao khác trên địa bàn 3 xã ven biển như Tân Thuận, Tân Tiến và Nguyễn Huân, với số lượng dự kiến di dời khoảng 650 người.

“Để thực hiện sắp xếp, bố trí lại dân cư, huyện cần có thời gian và hỗ trợ kinh phí từ cấp trên. Do đó, trước mắt huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống sạt lở; thực hiện ngay các công trình khắc phục sự cố sạt lở và khu vực nguy cơ lở đặc biệt nguy hiểm tại các khu vực ven sông, kênh, rạch…, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, đường giao thông, cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông Bình chia sẻ.

Sạt lở khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Cùng với đó, địa phương cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác đất lòng sông, kênh, rạch, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản (đất mặt, đất lòng sông) trái phép. Quản lý, kiểm soát hoạt động của phương tiện giao thông đường thuỷ, bộ (tốc độ phương tiện, trọng tải phù hợp) nhằm giảm thiểu tác động gây sạt lở, nhất là trên các tuyến sông, kênh, rạch có kết hợp đường giao thông.

Triều cường gây nhiều thiệt hại

Trước đó, tại huyện Năm Căn, do tác động của triều cường nên một số địa phương như thị trấn Năm Căn và các xã Lâm Hải, Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Tam Giang… chịu nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, uớc thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Gia đình ông Hồ Thanh Hồng, sinh sống ven tuyến kênh Năm Hộ, ấp Cồn Cát bị sạt lở bờ vuông gây nhiều thiệt hại. “Sau đợt triều cường xảy ra vào tối 28 rạng sáng 29/10 vừa qua, bờ vuông của gia đình tôi bị sạt lở một đoạn dài khoảng 7m, rộng 3m và sâu khoảng 1m”, ông Hồng cho biết.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, do ảnh hưởng của triều cường trong 2 ngày 29 đến 30/10 vừa qua, địa phương bị thiệt hại gần 200 triệu đồng.

Đợt triều cường vào cuối tháng 10 vừa qua làm thiệt hại đến đời sống, sản xuất của bà con huyện Năm Căn

Sau khi nhận được thông tin xuất hiện triều cường, Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn phối hợp với UBND các xã và thị trấn Năm Căn chỉ đạo các đội phản ứng nhanh kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân lưu thông trên các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, vận động người dân xung quanh khu vực bị ngập cảnh giác để đảm bảo tính mạng và tài sản.

Ông Trần Đoàn Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn, chia sẻ: “Trước mắt, địa phương xử lý giải pháp công trình tại các nơi xung yếu đã bị bể bờ, tràn mặt, sạt lở. Vận động nhân dân gia cố bờ bao, chủ động ứng phó lâu dài với triều cường tại các khu vực xung yếu. Các công trình thủy lợi phải kết hợp được hai việc đó là nạo vét khơi thông dòng chảy và tận dụng đất đen để làm đê, làm đường GTNT sau này. Đồng thời, quy hoạch hệ thống kênh mương, đường GTNT, khu dân cư, tuyến dân cư phải phù hợp, thích ứng lâu dài. Đặc biệt, phải đảm bảo ngăn được triều cường và sạt lở”.

Triều cường dâng cao tại các tuyến đường GTNT

Ông Hùng cũng chỉ ra rằng, giải pháp căn cơ để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu hiện nay vẫn là việc ưu tiên đầu tư xây dựng đê chống tràn, hệ thống cống đập kiên cố. Phải có quy hoạch triển khai các dự án lớn kết hợp di dời, bố trí dân cư và phát triển, chỉnh trang đô thị.

“Tại các khu vực xung yếu, ở xa hạ tầng giao thông đường bộ như cửa sông lớn, cửa biển, nơi nguy cơ sạt lở cao, bìa rừng… thì cần có giải pháp di dời ổn định dân cư vào sinh sống ở các khu tái định cư”, ông Hùng nói.

Vị lãnh đạo UBND huyện Năm Căn cũng trăn trở, muốn làm được những việc nêu trên thì địa phương rất cần nguồn kinh phí lớn nên rất khó triển khai đồng bộ, cùng lúc. Do vậy, để ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình có tính cấp bách, trước mắt cần cắt giảm các dự án, công trình chưa thật sự cần thiết.

THẾ TRÂN