Xây dựng chính quyền đô thị
Tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. Cũng có nghĩa là chuyển đổi cách quản lý nhà nước ở đô thị sang quản trị chính quyền đô thị, hướng đến sự tham gia và mở rộng đối thoại ngày càng nhiều của người dân với các công việc của chính quyền.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng đó là điều cần thiết, là cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị phản ứng nhanh nhạy, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn và đặc biệt là việc chịu trách nhiệm giải trình trước dân.
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam khá cao. Hiện cả nước có 869 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40,5% (trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 22 đô thị loại 1; 32 đô thị loại 2; 48 đô thị loại 3; 91 đô thị loại 4và 674 đô thị loại 5). Cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ). Nhưng đến nay mới có 3 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) tổ chức chính quyền đô thị, còn lại các đơn vị hành chính đô thị khác đều là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND). Điều này có nghĩa là chưa có sự phân biệt khác nhau giữa nông thôn và đô thị. Cách tổ chức này, theo Bộ Nội vụ, dẫn tới nhiệm vụ, quyền hạn của quản lý đô thị chưa cụ thể và chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, của mỗi cơ quan và mỗi cá nhân trong bộ máy chính quyền. Cùng đó, cơ chế vận hành bộ máy hành chính còn bị "cắt khúc" theo từng cấp hành chính trong nội bộ đô thị. Cơ chế điều hành hành chính mang tính tập thể của ủy ban ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị; vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (chủ tịch UBND) chưa rõ ràng.
Từ đó, cùng việc khẳng định tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị, thì Bộ Nội vụ cũng đưa ra một số đề xuất, giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh tới việc đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Rõ hơn là nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) như đang thực hiện ở Thành phố Đà Nẵng, TPHCM và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình "tòa thị chính", "thị trưởng".
Đây được coi là việc chuyển trọng tâm từ “quản lý nhà nước” sang “quản trị chính quyền” đô thị theo hướng đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
"Hoàn thiện thể chế về tuyển chọn cán bộ, công chức ở đô thị theo hướng đề cao trách nhiệm của người sử dụng, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh; đồng thời ban hành chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc tại đô thị” - theo Bộ Nội vụ.
Có thể thấy, với hướng đổi mới này, rõ lên một số vấn đề. Thứ nhất là chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị chính quyền (lưu ý khái niệm “quản lý” và “quản trị”). Thứ hai, phân cấp, phân quyền mạnh hơn để phát huy tính chủ động, tự chủ trong điều hành, giải quyết công việc. Thứ ba, đề cao việc tuyển lựa nhân sự, gắn với đòi hỏi của vị trí công việc. Thứ tư, làm rõ quyền và trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu (chủ tịch UBND). Và thứ năm, mở rộng đối thoại ngày càng nhiều của người dân với các công việc của chính quyền, cũng đồng nghĩa với việc tăng cường cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền.
Đô thị là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ của một địa phương, vùng, miền. Đô thị cũng là nơi tập trung dân cư, mật độ dân số cao, gồm nhiều thành phần có lối sống khác nhau, tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội đa dạng nên việc quản lý dân cư đô thị có nhiều phức tạp. An ninh, trật tự an toàn xã hội, giao thông, điện, nước, nhà ở, xây dựng, môi trường ở đô thị là những vấn đề hàng ngày, cần được giải quyết vừa chi tiết vửa tổng thể, vừa phải áp dụng biện pháp tình thế vừa phải có chiến lược lâu dài, bền vững. Những điều đó đòi hỏi trình độ quản trị tốt, bộ máy hoạt động trơn tru.
Nhân câu chuyện chuyển đổi cách tiếp cận trong xây dựng chính quyền đô thị, cũng cần lưu ý đến khoảng cách giàu - nghèo. Với sự chuyển đổi thành công sang mô hình chính quyền đô thị thì sức hút của đô thị sẽ ngày một lớn, tốc độ phát triển cũng từ đó mà vượt lên. Điều đó có thể dẫn tới khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày một giãn rộng, phát sinh những vấn đề xã hội.
Vì vậy, nếu đô thị được ví như đầu tàu thì cũng không thể bỏ lại những toa tàu rơi lại phía sau.