Gần nửa dân số thế giới mắc bệnh răng miệng
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tình hình răng miệng cho thấy gần 50% người dân toàn cầu mắc các bệnh về răng miệng, như sâu răng, sưng nướu, ung thư khoang miệng. Trong đó, cứ 4 người mắc bệnh răng miệng thì 3 người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo WHO, các trường hợp mắc bệnh răng miệng trên toàn cầu đã tăng thêm 1 tỷ trong 30 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhiều người không được tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh răng miệng. Các bệnh răng miệng phổ biến nhất là sâu răng, bệnh nướu răng nghiêm trọng, rụng răng và ung thư miệng. Trong đó, sâu răng không được điều trị ảnh hưởng đến gần 2,5 tỷ người.
Cũng theo WHO, chi phí tự trả lớn và không có sẵn thiết bị nha khoa chuyên dụng cao tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu là hai trong số những lý do dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao, đặc biệt là ở các nước nghèo. “Sức khỏe răng miệng từ lâu đã bị bỏ quên trong y tế toàn cầu, nhưng nhiều bệnh răng miệng có thể ngăn ngừa được” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, có trên 90% dân số mắc các bệnh về răng miệng, tập trung ở các bệnh như sâu răng, viêm nướu răng, viêm quanh răng. Đáng chú ý, hiện vẫn còn một tỷ lệ khá cao người dân không quan tâm đến răng miệng, không đánh chải răng, không đến bệnh viện hay cơ sở y tế nào để khám răng. Theo điều tra của Bộ Y tế, có 44% người khám răng do đau, gần 10% đi kiểm tra, 55% dân số không bao giờ đi khám, 85% bị sâu răng ở độ tuổi từ 6 - 8 và trong đó có 94% không được điều trị...
Bác sĩ Lê Thị Yến - Khoa Răng Miệng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho rằng, nguyên nhân phổ biến nhất là do người dân chải răng không đúng cách, thói quen chải răng chưa đúng từ nhỏ khiến nhiều người vẫn chải răng sai cách. Rất nhiều người chỉ thực hiện một ngày một lần vào buổi sáng, hoặc chải răng qua loa không đủ thời gian 3 phút theo yêu cầu của nha sĩ, chải răng theo chiều ngang thay vì chải theo chiều dọc. Ít người biết rằng chải răng không đúng cách sau một thời gian dài sẽ dẫn đến mòn men răng, ngà răng, viêm nướu, tụt nướu và dễ mắc các bệnh nha chu. Hậu quả của những bệnh này có thể trầm trọng hơn, thậm chí mất răng nếu để quá lâu.
Một nguyên nhân khác cần kể đến là việc nhiều người dân sử dụng tăm xỉa răng thay cho chỉ nha khoa, điều này làm cho các kẽ răng bị hở, làm trầy nướu răng và gây tụt nướu ở các kẽ răng. Ngoài ra, dùng tăm xỉa răng cũng không bảo đảm an toàn về vệ sinh. Khái niệm về chỉ nha khoa không còn xa lạ với người Việt Nam nhưng do không có thói quen dùng chỉ nha khoa và chi phí cho sản phẩm này khá cao nên đa số người dân ngại sử dụng. Đồng thời, việc ít dùng nước súc miệng cũng hạn chế hiệu quả chăm sóc răng miệng, cụ thể là khoang miệng chưa sạch hoàn toàn, vẫn còn tồn tại nhiều vi khuẩn và mảng bám. Việc chải răng thông thường là chưa đủ vì chỉ có thể chải sạch một số bề mặt răng (chủ yếu là mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai), vi khuẩn gây bệnh răng miệng vẫn còn tồn tại ở những nơi khác như kẽ răng, lưỡi và vòm miệng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, vệ sinh răng miệng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố chức năng răng. Thức ăn thừa nếu không được loại bỏ kịp thời có thể hình thành mảng bám, cao răng, tạo môi trường để vi khuẩn có hại tấn công gây bệnh. Do đó, mỗi người cần ý thức trong việc vệ sinh răng miệng đúng cách thông qua đánh răng hàng ngày với tần suất ít nhất 2 lần mỗi ngày sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ và sau khi ăn khoảng 30-45 phút, sử dụng kem đánh răng có chứa Fluor hoặc loại kem đánh răng theo khuyến cáo của bác sĩ nha khoa, sử dụng nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý 0,9% để làm sạch khoang miệng một cách hiệu quả, làm sạch kẽ răng, nơi mà bàn chải khó chải tới bằng việc sử dụng chỉ tơ nha khoa hoặc máy tăm nước.
Song song với việc vệ sinh răng miệng một cách khoa học thì chế độ sinh hoạt lành mạnh, hợp lý đóng vai trò thiết thực trong việc bảo vệ và củng cố sức khỏe răng miệng. Người dân cần lưu ý không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn như rượu bia hay đồ uống có gas để tránh làm ố màu và hỏng men răng, uống đủ lượng nước cho cơ thể để cân bằng hệ vi sinh vật trong khoang miệng, ăn uống với các thực phẩm lành mạnh, nhiều rau xanh để cung cấp đủ vitamin, dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, hạn chế ăn đồ chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, có tính axit quá cao để tránh mòn men răng, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây bệnh. Lấy cao răng thường xuyên 3-6 tháng/lần hoặc lấy ngay khi có chỉ định của bác sĩ để phá hủy môi trường phát triển lý tưởng của vi khuẩn và thăm khám sức khỏe với bác sĩ nha khoa thường xuyên để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời giúp tối ưu hiệu quả điều trị và ngăn chặn nguy cơ hình thành biến chứng.
Theo GS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ở nước ta, có trên 85% trẻ em sâu răng, trên 80% người trưởng thành có viêm lợi và viêm quanh răng,… Các bệnh này là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, các ổ nhiễm trùng trong miệng còn là nguyên nhân của các bệnh nội khoa như viêm khớp, viêm cầu thận... ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.