Chậm giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài
Ngày 1/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm và các giải pháp thúc đẩy giải ngân tháng cuối năm.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tổng số giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài tới nay mới đạt 26,06% kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài của năm 2022. Kết quả giải ngân 11 tháng đầu năm 2022 đầu tư công nguồn vốn nước ngoài cho thấy, tốc độ giải ngân từ nguồn vốn này là chậm so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước (đạt khoảng 60% kế hoạch).
Đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 8/13 bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng (số này không bao gồm 250,364 tỷ đồng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm); 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng Bên cạnh đó, đã có 54 địa phương và 10 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó còn 6 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%; có 3 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.
Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, trong tổng số 294 dự án/tiểu dự án (gọi chung là dự án) trong cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022; trong đó 114/294 dự án chưa giải ngân, với số kế hoạch vốn được giao là 6.235,2 tỷ đồng chiếm 18,03% kế hoạch vốn giao, 47/294 dự án giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn, 59/294 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50% kế hoạch vốn và 74/294 dự án giải ngân trên 50% kế hoạch vốn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, nguyên nhân của việc giải ngân thấp, cơ bản xuất phát từ việc không có khối lượng hoàn thành cho giải ngân từ mọi khâu của quá trình thực hiện dự án như chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án; điều chỉnh hiệp định vay hoặc đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án chậm (do vướng trong một số khâu như giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, ký hợp đồng, giá nguyên vật liệu tăng...). Đồng thời cũng có nguyên nhân từ việc các chủ dự án chưa tập hợp các kiểm soát chi gửi hồ sơ rút vốn đến Bộ Tài chính.
Ông Hiển nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, trong đó có nguồn vốn nước ngoài của Chính phủ trong 2 tháng còn lại của kế hoạch vốn năm 2022 đặt ra rất nhiều thách thức, đặc biệt nhất là các chủ dự án, ban quản lý dự án. Nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và ảnh hướng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2021-2025.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.
Đặc biệt, đối với các dự án năm 2022 là năm cuối thực hiện, giải ngân, các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo các chủ dự án xử lý dứt điểm đề hoàn thành khối lượng và giải ngân.