“Ma trận” biển quảng cáo giữa lòng Thủ đô
Tận dụng tất cả những gì có thể treo được bên đường như: cây xanh, cột điện, đèn chiếu sáng, thậm chí biển chỉ dẫn giao thông… hàng loạt biển quảng cáo, banner vẫn ngang nhiên “trưng dụng” làm nơi giới thiệu sản phẩm của mình.
Tại đường Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội), những tấm banner quảng cáo in khổ lớn trên chất liệu bạt của nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy... được treo trên cây xanh dọc theo bờ sông Nhuệ. Tại khu vực cầu Khương Đình, 1 tấm banner khổ lớn được treo trên cột đèn chiếu sáng che lấp phần vị trí đèn tín hiệu giao thông. Tiếp tục khảo sát trên đường Giải Phóng, có hàng chục tấm Paner cũng “trưng dụng” cột điện và cây xanh dọc 2 bên đường để làm điểm quảng cáo.
“Chính quyền phối hợp với tổ dân phố đã nhiều lần đi tháo dỡ những tấm banner này, nhưng không hiểu sao cứ tháo được vài ngày thì nó lại mọc trở lại” - ông Trần Văn Hoàn (76 tuổi, trú phường Đại Kim, Hoàng Mai) bức xúc. Cũng theo ông Hoàn, những tấm banner này không gây ảnh hưởng đến người đi đường, người dân sống quanh khu vực, nhưng “nó che khuất những tấm banner cổ động phong trào của phường. Đặc biệt là có những tấm che khuất điểm chờ xe buýt, biển báo ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và gây mất mỹ quan của khu phố” - ông Hoàn chia sẻ.
Trước tình trạng “rác quảng cáo” vẫn xâm lấn Hà Nội, bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, đó là do một bộ phận người dân, doanh nghiệp cố tình vi phạm dù biết là sai luật. Một nguyên nhân khác là do lực lượng mỏng nên chính quyền các địa phương không xử lý được các đối tượng lợi dụng vào ban đêm hoặc ngày nghỉ để thực hiện hành vi dán, treo quảng cáo không phép. Theo bà An, các địa phương chủ yếu mới giải quyết phần ngọn là ra quân bóc, tháo, dỡ thay vì ngăn chặn ngay từ đầu.
“Chúng ta đã có những quy định và chế tài rất rõ và cụ thể đối với các hành vi quảng cáo trái phép như Nghị định 28/2017; Quy định số 94/2009 UBND TP Hà Nội; Nghị định 38/2001/NĐ-CP và điều này cần phải được đưa vào áp dụng thực tiễn hơn” - bà An nói.
Quy định số 94/2009 UBND TP Hà Nội về quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn nêu rõ: Khu vực những tuyến phố nơi có các trụ sở, cơ quan, các điểm di tích lịch sử, tổ chức chính trị - xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở công an… sẽ không được quảng cáo. Tại các khu vực hạn chế quảng cáo, thay vì biển hiệu kích cỡ lớn, các địa điểm này chỉ được dùng các bảng đèn nê-ôn, đèn hộp, màn hình điện tử để chạy chữ với diện tích không quá 20m2. Đặc biệt, biển hiệu tại các tuyến phố sẽ được thống nhất quy chuẩn với kích cỡ thống nhất cho từng đường phố.
Tại Nghị định 38/2001/NĐ-CP cũng quy định rõ về hành vi, vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể: Xử phạt hành chính, phạt tiền và đình chỉ hoạt động có thời gian đối với những hành vi, vi phạm của tổ chức, cá nhân có mức phạt khác nhau. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng...