Hệ lụy từ mua nhà xây trái phép
Mua nhà xây trái phép đã khiến 8 hộ dân trên địa bàn phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) phải đối diện với thực tế là không biết đi đâu về đâu khi chính quyền địa phương thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Nghèo gặp “eo”
Ngày 1/12, khi chúng tôi quay lại tổ 130 phường Hòa Minh đã gặp ông Trần Văn Cây (72 tuổi) thẫn thờ ngồi trước hiên ngôi nhà cấp 4 mà ông bỏ ra 950 triệu đồng để mua nhưng không được ở vì chính quyền địa phương thông báo nhà xây trái phép. Anh Trần Văn Lực (con trai ông Cây) cho tôi xem bộ hồ sơ mua bán trong đó có đơn xin giao đất xây dựng nhà ở của một người tên Nguyễn Sanh (kèm sơ đồ vị trí đất xây nhà là thửa đất số 317, tờ bản đồ số 12) được cựu Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cựu Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng (đã bị khởi tố, bắt giam), ký xác nhận từ năm 2000. Đơn xin xác nhận có nhà ở của ông Nguyễn Sanh cũng có xác nhận của nguyên Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Nguyễn Văn Ngọc vào năm 2017.
Theo lời ông Cây, để mua được căn nhà cấp 4 ở tổ 130 phường Hòa Minh, ông đã phải bán căn nhà ở tổ 22 phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ). Tiền đã giao cho bên bán, giờ phải di dời thì không biết lấy tiền đâu mua nhà mới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hộ ông Trần Văn Cây và ông Phan Xuân Hải thì 6 hộ dân khác mua nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp ở tổ 130 phường Hòa Minh là ông Nguyễn Văn Hoài, ông Đoàn Đình Ý, ông Trịnh Khải, ông Phạm Tiến Hưng, ông Huỳnh Văn Tùng và bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền đều là những hộ khó khăn.
Ông Trần Hùng - Tổ trưởng dân phố 130 phường Hòa Minh nói rằng ông chỉ được một số người thông báo là sẽ xây nhà trên khu đất mà họ đã mua. Tổ dân phố không có quyền kiểm tra hồ sơ nên không thể biết nhà xây dựng hợp pháp hay không. 8 hộ dân đang ở trong hoàn cảnh khó khăn cũng nói rằng, họ chỉ biết nhà mà họ mua với số tiền trên dưới 1 tỷ đồng là nhà xây trái phép khi thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú tại địa phương.
Cùng với việc chấp hành quyết định tháo dỡ, di dời của chính quyền địa phương, các hộ mua nhà xây trái phép ở tổ 130 phường Hòa Minh đang thực sự hoang mang vì không biết đến khi nào mới được bên bán trả lại tiền.
Sáng 1/12, liên hệ với ông Nguyễn Sanh (người đứng tên trong hợp đồng công chứng và các giao dịch điện nước khi bán nhà cho ông Trần Văn Cây), chúng tôi được ông cho biết: Đất và nhà bán cho ông Trần Văn Cây là của ông Diệp, trú tại kiệt (ngõ) 112 đường Trần Cao Vân mua từ ông Tâm, trú tại ngã tư Đồng Xoài Nguyễn Đình Tứ. Ông Diệp ở tổ 50 phường Hòa Khánh Nam xây nhà vào cuối năm 2020 đầu năm 2021. “Khi xây xong, ông Diệp sang tay cho một người tên là Quang trú tại đường Tôn Đản. Ông Quang sang tay cho bà Liên, cùng trú tại đường Tôn Đản. Bà Liên sau đó mới bán cho ông Trần Văn Cây” - ông Sanh nói
Chính quyền nói gì?
Ông Đinh Hữu Phúc - Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, địa phương chưa nhận được thông tin từ cơ quan điều tra về tính hợp pháp của chữ ký và dấu đỏ của ông Đàm Quang Hưng (cựu Chủ tịch phường Hòa Minh vào năm 2000) và ông Nguyễn Văn Ngọc (nguyên Chủ tịch phường từ năm 2017) trong bộ hồ sơ mua bán nhà xây trái phép ở khu vực tổ dân phố 130. Đến thời điểm này đã có 5/8 hộ mua nhà trái phép di dời. Nhìn chung, các bên đều thấy sai, tự nguyện tháo dỡ di dời nên việc vận động có nhiều thuận lợi.
Trong cuộc trao đổi trước đó với chúng tôi, ông Phúc cho rằng, không thể có chuyện giấy xác nhận được Chủ tịch UBND phường ký từ năm 2000 và năm 2017 trong khi 8 căn nhà ở tổ dân phố 130 được một số đối tượng lén lút xây vào thời điểm cuối năm 2020 đầu năm 2021 khi địa phương dồn sức chống dịch Covid-19. Trong khi chờ kết quả điều tra của công an, chính quyền đang phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu các đối tượng bán nhà trái phép trả lại tiền cho các hộ dân.
Về việc người dân sống trong các căn nhà xây trái phép có hợp đồng cung cấp điện, nước, chúng tôi cũng được đại diện lãnh đạo Điện lực Liên Chiểu giải thích rằng cơ quan này thực hiện thẩm định hồ sơ điện tử theo trình kinh doanh điện năng 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Khách hàng không phải đem hồ sơ trực tiếp đến cơ quan quản lý, cung cấp điện nên không thể biết được nhà xây trái phép.
Bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng Văn phòng công chứng Ngọc Yến ở số 108 đường Tôn Đức Thắng cũng cho biết, quá trình xác nhận hợp đồng ủy quyền (mua bán) ngôi nhà xây tại thửa đất số 317, tờ bản đồ số 12 ở phường Hòa Minh, Công chứng viên cũng nhận thấy tính rủi ro trong giao dịch và đưa ra khuyến cáo với bên mua. Tuy nhiên do khả năng tài chính và tâm lý cần mua nhà với giá rẻ hơn thị trường nên Văn phòng công chứng vẫn thực hiện xác nhận.
Bà Phạm Thị Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Minh cho biết, để giảm thiểu khó khăn cho các hộ dân lỡ mua nhà xây trái phép buộc phải di dời, Mặt trận phường đã đề xuất, tham mưu với chính quyền một số giải pháp, trong đó có việc bố trí tạm nhà chung cư trong khi chờ các đối tượng xây nhà trái phép, giao dịch mua bán bất hợp pháp trả lại tiền.