Chuyển đổi số Thanh Hóa: Để mọi thứ nhanh gọn, thuận tiện nhất có thể
Mặc dù chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới nhưng bằng nhiều cách làm hay, thiết thực, tỉnh này đã đạt được một số thành công bước đầu, xếp hạng thứ 12 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021.
Nhiều kết quả đạt được
Theo báo cáo, trong 9 tháng năm 2022, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống; mở ra cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 1.525.644 lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99,07% giúp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan Nhà nước.
Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 149 dịch vụ công mức độ 3 và 725 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 863 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.
Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa của tỉnh đã tiếp nhận 502.225 hồ sơ, trong đó tiếp nhận, xử lý 192.933 hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,6%; 100% cơ quan chính quyền đều sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử, trong đó tổng số hồ sơ chứng thực là 97.979 hồ sơ, số hồ sơ đã hoàn thành chứng thực 91.507, đạt tỷ lệ 93%.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 97,5%); có 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (chiếm 98,4%); có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan thuế; hỗ trợ trên 551.817 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.
Triển khai chữ ký số công cộng cho trên 5.000 doanh nghiệp và hơn 600 hộ kinh doanh; góp phần giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh từng bước chuyển đổi số, thực hiện ký hồ sơ hợp đồng điện tử, nộp thuế, báo cáo thuế trực tuyến…
Các hệ thống chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân cũng được áp dụng có hiệu quả chuyển đổi số. Cụ thể, 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương; 100% bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, triển khai hóa đơn điện tử; triển khai phần mềm quản lý nhà thuốc đến hơn 765 nhà thuốc để kết nối với cổng dược quốc gia nhằm quản lý, kê đơn bán thuốc trong ngành y tế…
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai phần mềm quản lý giáo dục vnEdu gần 1.800 trường, triển khai các app di động với 150.000 tài khoản cho giáo viên và phụ huynh học sinh, app di động cho phụ huynh, người dân thanh toán trực tuyến.
Chuyển đổi số là nhiệm vụ bắt buộc
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số dần trở thành khái niệm quen thuộc ở Thanh Hóa. Đây cũng là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số.
Nhiều chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021 đều nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, điển hình: Năm 2021, Thanh Hóa đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI (tăng 21 bậc so với năm 2020) và thứ 14 cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính PAR INDEX (tăng 15 bậc so với năm 2020). Chỉ số đánh giá Chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12 cả nước.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa chia sẻ, muốn có chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phải chuyển từ hình thức hoạt động thủ công truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Để làm được như vậy, người đứng đầu cần thay đổi nhận thức và tư duy, để dẫn dắt người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện tích cực các giải pháp chuyển đổi số. Đây cũng là tiền đề để hướng đến phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân phải xem chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp và vì tiến bộ xã hội.
Về mục tiêu, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% trở lên trong GRDP của tỉnh. Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 80% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 80% trở lên các xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số, theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Quyết cho rằng, vấn đề ra đặt hiện nay là đầu tư phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó là xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để phục vụ chuyển đổi số. Khi đã có cơ sở dữ liệu rồi phải xây dựng các quy định khung để khơi thông dòng chảy, chia sẻ dữ liệu để doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về cần thiết của chuyển đổi số...