Quảng Ninh – Điểm sáng trong triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam
Sáng ngày 2/12, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác Mặt trận năm 2022 tại tỉnh Quảng Ninh.
Kết quả ấn tượng trong công tác Mặt trận
Báo cáo kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ công tác Mặt trận tỉnh Quảng Ninh năm 2022, ông Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt được kết quả cao, toàn diện đối với các nhiệm vụ công tác Mặt trận, được cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.
Nổi bật là việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn sát với thực hiện, hoàn thành mục tiêu của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, nhận thức, tăng tính tự lực, tự cường của Nhân dân, MTTQ các cấp đã huy động nguồn lực xã hội ủng hộ kinh phí và hiện vật với tổng giá trị 38,129 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới.
Năm 2022 là năm đầu tiên, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên đăng ký với Tỉnh ủy triển khai đảm nhận việc chăm lo Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số 210.421 suất quà với tổng số tiền trên 99,77 tỷ đồng bằng 100% nguồn xã hội hóa, không sử dụng nguồn ngân sách.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 được Quảng Ninh tổ chức đồng loạt trên toàn tỉnh vào cùng một ngày, gắn với phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và công bố, ra mắt mô hình điểm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025. Nhân dịp này, tại địa bàn các khu dân cư đã công bố và ra mắt 521 mô hình điểm trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2021-2025 và tổ chức khánh thành, trao tặng 279 ngôi nhà Đại đoàn kết…
Tại buổi làm việc, đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về những mô hình hay, cách làm sáng tạo và những kết quả nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 và nhiều ý kiến cũng góp phần nâng cao chất lượng công tác Mặt trận các cấp của tỉnh trong giai đoạn tới.
Phát huy tốt vai trò của hệ thống MTTQ các cấp
Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, toàn diện trên các lĩnh vực, Quảng Ninh thực sự là điểm sáng trong triển khai các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, từ đó góp phần vào thành công của công tác Mặt trận trên cả nước trong năm 2022.
Để tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh của MTTQ tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị, MTTQ tỉnh cần thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, trách nhiệm và có hiệu quả cao công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó cần tập trung triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Chuyên đề giám sát do UBTƯ MTTQ Việt Nam ban hành; thực hiện tích cực hơn nữa công tác phản biện xã hội đối với các văn bản, nghị quyết là thể chế, chính sách của địa phương…
Ủy ban MTTQ tỉnh cần phối hợp với các Cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội; đồng thời theo dõi sát sao, thường xuyên đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của MTTQ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương; quan tâm đến công tác nắm và phản ánh tình hình nhân dân, nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Đối với công tác cán bộ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị, MTTQ các cấp trong tỉnh cần quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là cấp cơ sở; chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền có chính sách động viên, hỗ trợ để cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở yên tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống gia đình để tiếp tục công tác, cống hiến.
Cùng với đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế nhằm phát huy tốt vai trò của hệ thống MTTQ nhất là cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các ban, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân như bồi thường, thu hồi đất, tái định cư, vấn đề môi trường…
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cũng đề nghị Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác Mặt trận, để công tác Mặt trận thực sự được khẳng định đúng vị trí, vai trò trong hệ thống chính trị thông qua việc chỉ đạo, tạo điều kiện cho MTTQ tham gia từ sớm, tham gia sâu vào quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để có thể nắm bắt, hiểu nội dung và tổ chức phản biện, đóng góp ý kiến, kiến nghị cũng như và tổ chức giám sát quá trình thực hiện các văn bản đó theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.