Cận cảnh bàn thắng gây tranh cãi của đội tuyển Nhật Bản
Bàn thắng lịch sử của Ao Tanaka giúp Nhật Bản đi tiếp ở World Cup 2022 đã tạo nên tranh cãi gay gắt khi nhiều người cho rằng bóng đã đi hết biên ngang trước khi Kaoru Mitoma thực hiện pha kiến tạo.
Theo Dân Trí, Kênh truyền hình BeIN Sports đã đưa ra đoạn video phân tích về góc độ của trái bóng (xem đã đi hết đường biên ngang hay chưa). Phân tích này đã dập tắt những tranh cãi.
Trong trận đấu ở lượt cuối cùng bảng E diễn ra vào đêm qua, Nhật Bản đã tạo nên cơn địa chấn khi hạ gục Tây Ban Nha với tỷ số 2-1. Trong đó, bàn thắng ấn định tỷ số của Ao Tanaka thực sự là tình huống tranh cãi. Nhiều góc máy chỉ ra rằng Kaoru Mitoma đã thực hiện đường chuyền vào cho Ao Tanaka khi bóng đi hết đường biên ngang.
Chính điều này đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Có không ít quan điểm bày tỏ sự không hài lòng với cách vận hành của VAR khi không đưa ra được góc máy chính xác trong tình huống này.
Trước tình hình đó, kênh truyền hình lớn BeIN Sports đã đưa ra đoạn video phân tích về góc độ của trái bóng (xem đã đi hết đường biên ngang hay chưa). Theo phân tích này, trái bóng vẫn chưa hoàn toàn đi hết vạch vôi.
Theo BeIN Sports, việc xác định trái bóng có đi hết vạch vôi hay không phải phụ thuộc vào hình chiếu đứng. Trong khi đó, những bức ảnh lan truyền trên mạng chỉ là mô phỏng của hình chiếu ngang và không chính xác.
Theo điều 9 trong luật của FIFA, tình huống bóng được tính là đi ra ngoài nếu như toàn bộ trái bóng không còn nằm trong sân. Để hình dung cụ thể, trong toàn bộ hình chiếu (đặc biệt là hình chiếu đứng), người ta không còn thấy điểm tiếp xúc, dù là nhỏ nhất với vạch vôi.
Đó là lý do mà BeIN Sports nhấn mạnh rằng trái bóng vẫn chưa hoàn toàn đi ra khỏi sân trong bàn thắng của Nhật Bản.
Trong khi đó, nhà báo James Sharpe đã tung ra đoạn video cho thấy tất cả đã bị lừa bởi hình ảnh trên hình chiếu ngang. Cụ thể, bằng mắt thường, bất cứ ai cũng thấy trái bóng qua vạch vôi ở hình chiếu ngang nhưng ở hình chiếu đứng, nó vẫn còn nằm trong sân.
Bàn thắng tranh cãi của Ao Tanaka đã góp phần loại đội tuyển Đức ra khỏi World Cup 2022. Chính vì vậy, những người hâm mộ Đức không hài lòng khi họ chưa được cung cấp hình ảnh cụ thể, chứng minh trái bóng vẫn còn trên sân.
Trái bóng chính thức của World Cup 2022, Al Rihla được gắn chíp cảm biến. Nó có thể đo đạc chính xác tới từng… sợi tóc. Bằng chứng là mới đây, công nghệ cảm biến Al Rihla đã đo được tác động của C.Ronaldo (bằng sợi tóc) vào trái bóng là không có. Do đó, FIFA đã quyết định trao bàn thắng cho Bruno Fernandes.
Vì sao trọng tài không xem VAR trong bàn quyết định của Nhật Bản?
Theo Zing, Trọng tài chính Victor Gomes không xem trực tiếp VAR, cũng không sử dụng goal-line để xác định chính xác bóng đã ra ngoài sân hay chưa.
Ông Gomes không làm vậy bởi bóng đá hiện đại vẫn chưa có công nghệ riêng giúp nhận biết bóng đã ra ngoài đường biên. Công nghệ goal-line chỉ được sử dụng để xác nhận bóng trong hay ngoài vạch vôi và chỉ kiểm tra được vùng trong khung thành. Với VAR, góc quay tại đường biên ngang chưa có đủ để xem xét tuyệt đối tình huống nên trọng tài có xem lại pha quay chậm cũng vẫn phải đưa ra quyết định theo cảm tính chủ quan.
Trở lại tình huống của Kaoru Mitoma, trọng tài Victor Gomes được tổ VAR tư vấn qua tai nghe và ra quyết định công nhận bàn thắng mà không cần kiểm tra lại tình huống qua màn hình. Điều đó cho thấy ông Gomes tin tưởng vào tổ VAR, họ tự tin xác định rằng bóng còn trong cuộc chơi nên trọng tài không cần xem thêm. Athletic cho biết các trọng tài thuộc tổ VAR đã xác định bằng mắt thường trong trường hợp này trước khi tư vấn cho trọng tài chính.
Việc công nghệ không được sử dụng trong trường hợp này càng làm dấy lên nhiều tranh cãi. Chia sẻ trên ITV, cựu thủ quân MU Gary Neville bức xúc vì FIFA không chiếu lại hình ảnh công nghệ theo cách tương tự như trong các pha bóng dùng VAR: "Vì sao FIFA không đưa ra các hình ảnh cụ thể để giải thích cho tất cả về tình huống này? Xin các người, làm rõ đi".
Cận cảnh tình huống bàn thắng gây tranh cãi: