Đương đầu với 'ma trận' hàng giả
Tại tọa đàm chung tay chống hàng lậu, hàng giả bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng, ngày 2/12, tại TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng, hàng giả xuất hiện ở mọi nơi, không mặt hàng nào là không có hàng giả. Vì sao sau rất nhiều giải pháp của các cơ quan chức năng, hàng giả vẫn có đất sống?
Nhan nhản hàng giả
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2022, Hải quan xử lý 13.720 vụ, giá trị 4.900 tỷ đồng. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan dự báo, từ nay đến Tết, hàng giả, hàng lậu còn diễn biến phức tạp. Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, sẽ mạnh tay phát hiện, xử lý hàng giả, hàng lậu trong dịp trước, trong và sau Tết.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường TPHCM liên tục kiểm tra, phát hiện số lượng lớn hàng giả. Theo đó, quản lý thị trường thành phố tổ chức kiểm tra tại nhiều trung tâm thương mại. Đơn cử, tại đợt kiểm tra trung tâm thương mại Saigon Square (Quận 1), hồi đầu tháng 11, lực lượng quản lý thị trường tạm giữ hàng ngàn sản phẩm giả các nhãn hiệu Dior, Gucci, Chanel, Adidas, Nike,...
Đáng lưu ý, khi kiểm tra 9 cửa hàng của một hệ thống thì có đến 6 cửa hàng bán hàng giả. Mới đây nhất, lực lượng chức năng đột xuất kiểm tra và bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder…Mặc dù sản xuất thủ công nhưng trên bao bì sản phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Thái Lan, tiếng Anh, tiếng Nga... rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, bà H. N. H. cho biết, cơ sở của bà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng tại TPHCM và các tỉnh, bỏ mối tại các chợ và bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook, zalo có tên “Phạm Huỳnh”. Đại diện Cục quản lý thị trường TPHCM khẳng định, nếu các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên không được phát hiện và xử lý kịp thời thì số hàng sẽ được tuồn ra thị trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.
Kết quả kiểm tra, xử lý chưa như kỳ vọng
Chia sẻ về hiệu quả quản lý hàng giả, hàng nhập lậu, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM thừa nhận, mặc dù kiểm tra, xử lý được rất nhiều vụ gian lận thương mại, song kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của người dân. Chính vì lẽ đó mà hàng giả vẫn bủa vây người tiêu dùng.
“Có những người hầu như sử dụng hàng giả. Đến khi mua đúng hàng thật thì lại cho đó là hàng giả”, Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TPHCM quan ngại. Bà Thu cho rằng, trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều tiên quyết hàng đầu.
Đánh giá cao công tác phòng, chống hàng giả của lực lượng chức năng, tuy nhiên bà Thu cũng chỉ ra những bất cập khó có thể đẩy lùi gian lận thương mại. Theo đó, người tiêu dùng chưa biết phân biệt hàng thật và hàng giả. Thậm chí lơ là với hàng giả. Mua phải hàng giả không báo cho nhà sản xuất, không báo cơ quan quản lý. Tâm lý của người tiêu dùng, mua phải hàng giả nhưng giá trị không lớn nên bỏ qua. Thế nhưng, với 90 triệu dân con số này không hề nhỏ. Doanh nghiệp nên hợp tác, hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện sản phẩm.
Thực tế cho thấy, khi người tiêu dùng báo sản phẩm giả, nhà sản xuất thường lơ là vì ngại chi phí phát sinh. Rõ ràng, nhà sản xuất chưa làm đúng trách nhiệm của mình. Cuối cùng, người tiêu dùng đưa sản phẩm giả đến cơ quan chức năng lại không được nhận đơn vì giá trị quá nhỏ. Quy định, chỉ nhận đơn khi giá trị lớn, nhiều người cùng thiệt hại và cùng làm đơn độc lập. Vì vậy, theo bà Thu, con số thống kê xử lý chỉ là con số vĩ mô. Phát hiện và xử lý nhưng chưa thực thi pháp luật một cách chặt chẽ. Đây chính là lý do người tiêu dùng chưa được bảo vệ trước nạn hàng giả.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho hay: “Người tiêu dùng đang đứng trước ma trận hàng giả, không biết cái nào giả, cái nào thật. Doanh nghiệp nên đưa thông tin để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm. Thế nhưng, đa phần DN lại có tâm lý né tránh hàng hóa bị làm giả”. Thiết nghĩ, doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan chức năng chặn đứng sự lớn mạnh của hàng giả. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các lực lượng chức năng trong quản lý thị trường nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ nền kinh tế.