Không thể để tin giả 'vùi dập' doanh nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở nước ta liên quan đến tin giả, tin đồn trên mạng xã hội đã tương đối đầy đủ, nhưng thực thi pháp luật còn yếu kém nên tin giả, tin đồn vẫn “lan nhanh như cháy rừng”, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) điêu đứng, tác hại khôn lường.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì và bằng cách nào xử lý mạnh tay với tin giả, tin đồn độc hại?
Có thể nêu ví dụ: Một mã cổ phiếu đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp hồi cuối tháng 10/2022 sau khi có tin đồn về quy mô tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu; dù lãnh đạo công ty lên tiếng ngay lập tức rằng DN vẫn đảm bảo đầy đủ chuẩn mực cả trong nước và quốc tế, nhưng giá cổ phiếu vẫn không thể phục hồi được như trước. Hoặc, một thương hiệu lớn chuyên kinh doanh điện thoại, hàng điện tử cách đây chưa lâu cũng dính tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về các khoản đầu tư ngắn hạn của DN. Hậu quả là cổ phiếu cũng giảm điểm liên tục, hoạt động công ty bị xáo trộn, nội bộ công ty hoang mang.
Đáng tiếc là tin đồn thất thiệt, tin giả không phải là chuyện gì đó quá mới mẻ, mà thực sự thì nó đã tác oai tác quái bấy lâu. Nhiều DN “dính chưởng” vì tin đồn vô căn cứ, cho dù sau đó có được “minh oan” đi chăng nữa thì cũng đã phải “lên bờ xuống ruộng”. Ai cũng biết rằng, xây dựng uy tín, thương hiệu của một DN, một mã hàng nào đó là điều hết sức có khăn, có khi hàng chục năm cũng không thành công. Cơ chế thị trường, sự cạnh tranh ngày một lớn. Vì thế, có DN đã tìm cách hạ đối thủ cùng ngành hàng bằng cách tung tin giả trên mạng xã hội. Từ đó, tin đồn loang ra. Đó là cách cạnh tranh rất không lành mạnh, vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Danh Huế - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, quá trình hành nghề, ông từng gặp trường hợp DN bị thiệt hại ghê gớm vì có những lô hàng đã đặt trước nửa năm, hàng đang trên đường về Việt Nam thì có những tin bịa đặt tung ra là sản phẩm của công ty không bảo đảm được sức khỏe người dùng. Việc đó khiến DN điều đứng, ngân hàng cũng chật vật theo vì bảo lãnh cho các khoản vay đó. Thế nhưng, khi xử lý lại vô cùng khó khi việc thu thập bằng chứng, chứng cứ diễn ra phạm vi rộng trên không gian mạng, thậm chí ở nước ngoài.
“Tôi đồng ý là khó xác định để xử lý và cũng đồng ý là mức chế tài phải nghiêm khắc hơn. Nhưng điều quan trọng là việc thực thi pháp luật phải nghiêm” - ông Huế nói.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thì cần khuyến khích DN kiện đòi bồi thường trong trường hợp bị thiệt hại vì tin giả, tin đồn thất thiệt, để từ đó có căn cứ xử lý. Nhưng hiện nay những vụ kiện dân sự phải mất hàng năm trời để theo đuổi.
"Một giao dịch trên mạng xã hội mất có vài giây trong khi đó chúng ta xét xử tranh chấp đến hàng năm, điều này không tương thích. Chúng ta phải có cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rõ ràng" - ông Tuấn nói.