Hàng Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

THANH GIANG 03/12/2022 07:00

Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại (FTA) là cơ hội lớn cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Nhiều ngành hàng nhanh chóng tăng sản lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra khi các nước đưa ra những quy định khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy các doanh nghiệp Việt đang phải tiếp tục gỡ “rào cản”, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có việc hướng đến sản xuất và xuất khẩu xanh…

Doanh nghiệp Việt đã có nhiều nỗ lực trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả từ các FTA, từ đó giúp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu tăng trưởng khả quan

Thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao. Khảo sát cho thấy, có khoảng 85% doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng, hội nhập kinh tế thế giới mang lại lợi ích tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lũy kế tới hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến hết tháng 11, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh 63% đạt gần 2,3 tỷ USD; tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14%; cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40% đạt 941 triệu USD. Trong đó, thị trường Mỹ đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thuỷ sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thủy sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc góp trên 882 triệu USD. Khối các nước CPTPP chiếm trên 26% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 34% so với cùng kỳ. “Nhìn chung, thành tựu trên 10 tỷ USD tính đến cuối tháng 11 là kết quả của sự tăng trưởng mạnh 3 quý đầu năm, với thuận lợi nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng” - đại diện Vasep nhận định.

Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trước đây, khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) chưa được ký kết, gạo Việt Nam đã vào châu Âu nhưng thuế suất rất cao, từ 5 – 45%. Trong khi đó, gạo của Lào, Campuchia, Myanmar... lại được EU cho chính sách đặc cách, được miễn thuế vì đây là những nước nghèo. Khi có EVFTA, các DN trong ngành gạo có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cũng cho rằng, EVFTA có hiệu lực mang đến cơ hội cho xuất khẩu nông sản nói chung và ngành hồ tiêu nói riêng, giúp tăng số lượng, giá trị đơn hàng. Ngoài ra, DN còn mở rộng thị trường để tìm những đối tác mới.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, các FTA thế hệ mới được ký kết giúp kinh tế Việt Nam thay đổi tích cực trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 và các xung đột kinh tế, chính trị. Đối với CPTPP, giai đoạn 2020 - 2021, xuất khẩu sang thị trường các nước này tiếp tục đà tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Với hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020. Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương đánh giá, DN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả từ các FTA. Từ đó giúp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường những nước Đông Á.

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ở các thị trường.

Không để bị loại khỏi cuộc chơi

Mặc dù DN Việt tận dụng các FTA khá tốt nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Ông Phạm Đình Thưởng – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng FTA dẫn chứng, có tới 40,1% DN gặp khó khăn do thiếu thông tin cụ thể về các cam kết, 46,4% DN gặp khó khăn do năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Các hạn chế này có thể nằm ở nhiều yếu tố khác nhau như nguồn vốn và công nghệ dẫn tới hạn chế khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính.

Ông Phạm Thái Bình cho rằng, DN nên chú trọng chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Với thị trường EU dù có FTA hay không thì tiêu chuẩn chất lượng nông sản vào thị trường này cũng không thay đổi. “Thị trường EU rất xem trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là gạo. Nếu nông sản chứa dư lượng hóa chất họ sẽ tẩy chay ngay. Muốn đáp ứng nhu cầu thị trường EU nhất định phải làm theo quy trình GlobalGAP” – ông Bình nêu quan điểm.

Về phần mình, ông Phan Minh Thông khẳng định: “Sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng các quy chuẩn của FTA. Chúng tôi đang tận dụng cơ hội xuất khẩu một cách triệt để. Theo dõi kỹ hướng dẫn của Bộ Công thương đáp ứng thay đổi trong thương mại quốc tế”.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thông tin, việc áp dụng đạo luật Báo cáo bền vững buộc 50.000 DN EU phải có trách nhiệm giải trình. Điều này đồng nghĩa EU sẽ gia tăng áp dụng 323 loại chứng chỉ cùng hàng trăm tiêu chuẩn dành cho hàng nhập khẩu. Thực tế đang đòi hỏi DN Việt Nam phát triển mô hình tăng trưởng theo hướng tiêu dùng xanh và bền vững, thay vì sản xuất dựa vào khai thác tài nguyên. Việc chuyển đổi đang là thách thức buộc cộng đồng DN phải vượt qua, song Bộ Công thương sẽ hỗ trợ DN lựa chọn loại chứng chỉ, tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu. Từ đó, giúp sản phẩm tăng năng lực cạnh tranh, nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong điều kiện mới.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, DN Việt cần quan tâm tới tính xanh của chuỗi sản xuất đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế. “Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ kiến nghị để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh” - ông Diên nhấn mạnh.

Ông Jean Jacques Bouflet – Phó Chủ tịch Eurocham Việt Nam:

Doanh nghiệp phải chủ động đổi mới

DN Việt đang tận dụng tốt các FTA trong hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu nên cần tập trung phát triển kinh tế xanh, bền vững. Hơn nữa, trong các cam kết của nhiều FTA có đặt vấn đề phát triển xanh. Hiện nay, người tiêu dùng toàn cầu, đặc biệt là người tiêu dùng EU ngày càng tập trung vào các giá trị vượt ra ngoài giá trị sản phẩm, bên cạnh chất lượng còn có những yêu cầu về môi trường, xã hội. EU cũng đã ban hành quy định thắt chặt các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững. Do đó xuất khẩu của Việt Nam cần tái định hình nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn mới. DN Việt phải chủ động đổi mới chính mình, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam:

Hàng hóa phải đạt được yêu cầu về chứng chỉ

Muốn xuất khẩu đi các quốc gia khó tính như Mỹ cần phải có mã số vùng trồng do Bộ Nông Nghiệp Mỹ cấp, cần có mã số đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá. Nhập khẩu thông qua hình thức các lô hàng thương mại, phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; hàng hóa cần thông qua đơn vị kiểm định của 2 nước. Tương tự, với thị trường EU phải có chứng nhận GlobalGAP, chứng nhận môi trường SMETA, ISO hay HACCP... Nói chung, muốn đạt hiệu quả trong thương mại hóa nông sản và thực phẩm thì ngoài chất lượng, các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu chứng chỉ riêng. Chứng chỉ không phải tờ giấy mà là việc kiện toàn sản xuất, bao bì, nhãn mác...

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam:

Nhu cầu tăng lên là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam. Thế nhưng, xu hướng sử dụng thủy sản của người tiêu dùng thế giới không chỉ dừng lại là các sản phẩm có lợi cho sức khỏe mà còn hướng đến sản xuất xanh trong nuôi trồng, khai thác, chế biến. Chính vì vậy, thủy sản Việt Nam đứng trước thách thức với hàng rào kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu. Song, chuyển đổi xanh trong xuất khẩu là vấn đề sống còn của DN. Vasep đã và đang tập trung nâng cao nhận thức cho DN về vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh.

T. GIANG(ghi)

THANH GIANG