Thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đất đai: Trách nhiệm ở khâu nào?
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã chỉ rõ, hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí. Do đó xác định trách nhiệm là vấn đề cần được chỉ ra vào lúc này.
Sau khi Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa công bố Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ rõ nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu: Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, giám sát việc xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả, chậm tiến độ, các công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí trên địa bàn và các tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của địa phương nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS của Đoàn giám sát.
Nghị quyết Quốc hội yêu cầu: Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát.
Nghị quyết Quốc hội cũng yêu cầu, Chính phủ cần phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS của Đoàn giám sát.
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm sau giám sát, ở góc độ cơ quan giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, qua giám sát đã chỉ ra hạn chế tồn tại, do vậy hậu giám sát phải tiếp tục theo dõi xử lý căn bản các vấn đề mà kết quả giám sát đã chỉ rõ. Để thực hiện nhiệm vụ này, Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, đoàn ĐBQH, HĐND đôn đốc các cơ quan tổ chức giám sát việc xử lý đối với các dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp), cần tăng cường công tác hậu giám sát, đặc biệt là những vấn đề tồn tại mà Đoàn giám sát đã nêu ra trong báo cáo, trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa... “Chính phủ cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu trên các lĩnh vực đã được Đoàn giám sát chỉ ra những hạn chế mà chưa khắc phục. Phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, của cán bộ, công chức, viên chức đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về tiết kiệm, lãng phí của cán bộ có chức, có quyền cũng như cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ nhằm đảm bảo cho công tác này thực chất, hiệu quả” - ông Hoà nói.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, quan trọng là thực thi kết luận giám sát như thế nào. “Đã chỉ ra thất thoát, lãng phí thì phải có cơ chế kiểm tra giám sát, yêu cầu Chính phủ, UBND tỉnh, thành nơi có dự án và chủ đầu tư dự án đó phải giải trình tại sao lại xảy ra chậm tiến độ? Tại sao đội vốn? Từ việc giải trình sẽ xác định rõ được trách nhiệm ở khâu nào? Ai chịu trách nhiệm” - ông Thịnh nói và cho rằng cần giám sát chặt chẽ việc giải trình của cơ quan thực thi pháp luật xem có hiện tượng “chấm mút”, gây ra lãng phí không?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Giám sát những dự án lãng phí chỉ là bước đầu. Sự lãng phí đó cần phải được quy rõ trách nhiệm cụ thể. Trước tiên cần rà soát các cơ quan cấp đất, giấy phép thực hiện dự án xem có làm đúng trách nhiệm hay không? Dự án ngừng trệ do nguyên nhân nào, bởi thực tế có nhiều dự án dang dở do chủ đầu tư không đầu tư mà lấy đất để làm việc khác”.