Cửa Lở còn sạt lở đến bao giờ?
Nhiều năm qua, khu vực biển Cửa Lở (thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) liên tục bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến nhà cửa và diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương.
Riêng trong 2 năm 2021-2022, bờ biển Cửa Lở ở thôn Bình Trung bị sạt lở chiều dài khoảng 1km, ăn sâu vào trong đất liền từ 15 đến 30m, những đoạn sạt lở bờ biển tạo thành bờ vực cao hơn 2m.
Ông Lương Ngọc Minh, trú thôn Bình Trung cho biết, khu vực bờ biển này bị sạt lở nhiều năm qua. Đặc biệt, năm 2022 do ảnh hưởng mưa bão nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Khu vực này trước đây thuộc thôn 5 nhiều nhà cửa, vườn tược, có nhiều cây dừa cao xanh mát nhưng sạt lở liên tục đánh tan tành tất cả, khiến cho một số hộ dân sát biển phải bỏ nhà di chuyển sang địa điểm khác sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Tùng, trú thôn Bình Trung cho biết, cứ mỗi lần nghe đài báo bão hay áp thấp nhiệt đới người dân ở đây lại thấp thỏm lo sợ, bởi vì cứ mưa bão là bờ biển Cửa Lở lại tiếp tục bị nước biển xâm thực sâu vào đất liền làm ảnh hưởng đến các hộ dân nuôi thủy sản ở khu vực này. Hiện tại nhiều chòi, hồ nuôi tôm của người dân địa phương đã bị sạt lở hư hỏng đổ sập xuống biển. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo UBND huyện trong buổi họp thôn, xã và tiếp xúc cử tri, với mong muốn được cơ quan chức năng quan tâm xây kè cứng để giảm hạn chế tình hình sạt lở này.
“Thế nhưng mọi việc xây kè ở khu vực này vẫn chưa được triển khai. Cửa Lở vẫn lở, đất vườn, nhà dân, cây cối lần lượt cuốn trôi ra biển mà chưa biết đến khi nào mới có thể chấm dứt tình trạng này. Đáng lo ngại, đến nay các ngành chức năng vẫn chưa thấy động tĩnh gì, trong khi đó cứ đến mùa mưa bão bờ biển Cửa Lở lại ngày một sạt lở thêm” - bà Tùng cho biết.
Còn ông Đinh Văn Tám, trú xã Tam Hải nói: “Chưa có năm nào như năm 2022, mưa bão, triều cường lớn liên tục tấn công làm cho khu vực bờ biển Cửa Lở bị sạt lở nặng, xâm thực sâu hơn mọi năm. Ngày xưa ao hồ cách xa nước biển trên nghìn mét, còn bây giờ chỉ vài chục mét nữa là nước biển nuốt hồ tôm của gia đình tôi. Vì thế, vừa nuôi tôm tôi vừa lo sợ vì không biết năm sau sẽ thế nào đây, bỏ hồ nuôi tôm thì không đành mà làm tiếp lại sợ mất trắng vì sạt lở”.
Người dân địa phương cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến Cửa Lở vẫn tiếp tục lở. Nhưng nguyên nhân chính là khu vực bờ biển này là vùng đất cát và là nơi hàng năm đón hướng gió và sóng biển đánh mạnh liên tục vào bờ, cũng chưa có kè chắn sóng bền vững nên sóng biển cuốn trôi đất đai, cây cối, nhà cửa ra biển. Nếu không có biện pháp xây dựng bờ kè thì khả năng khu vực này sẽ tiếp tục bị sạt lở, xâm thực nặng.
Hiện gần 1km bờ biển Cửa Lở bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi tạo thành bờ vực cao hàng mét, nhiều chòi nuôi tôm của người dân ở đây bị sạt lở hư hỏng và những rừng cây dương liễu trồng bên bờ biển cũng bị ngã đổ một số cuốn trôi ra biển, số còn lại nằm ngổn ngang trơ gốc. Bên cạnh đó nhiều diện tích hồ tôm của người dân ở dọc bờ biển Cửa Lở đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Được biết, để đảm bảo tài sản và tính mạng cho nhân dân, ở xã Tam Hải nhiều tuyến kè khẩn cấp đã được triển khai xây dựng. Còn việc xây kè ở bờ biển ở thôn Bình Trung vẫn chưa được tiến hành.
Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Hải, tại bờ biển Cửa Lở, hằng năm sóng biển lấn sâu vào ven bờ biển hơn 15m. Hiện nay để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực sạt lở này, trước mùa mưa mưa bão, chính quyền xã đều hướng dẫn cho bà con gia cố chèn chống nhà cửa, bờ hồ nuôi tôm...
Nói về xây kè bảo vệ bờ biển xã Tam Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, để bảo vệ đất đai, tài sản và tính mạng người dân xã đảo Tam Hải, những năm qua, tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ để thi công, đưa vào sử dụng nhiều tuyến đê biển ở khu vực xung yếu quanh đảo. Hầu hết các tuyến đê kè biển này đều phát huy tốt công năng trong việc ngăn chặn triều cường, sóng biển gây sạt lở, làm mất đất sản xuất, hư hại nhà ở của người dân. Với những vướng mắc còn tồn tại trong thực hiện xây mới các tuyến kè ở xã đảo Tam Hải, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Núi Thành, ngành chức năng sớm tìm ra tiếng nói chung, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công, đưa tuyến kè vào sử dụng, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng cư dân trên đảo.
Ông Nguyễn Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: Chính quyền xã đã kiến nghị với UBND huyện Núi Thành cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam về tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Lở để có biện pháp khắc phục. Thế nhưng, do nguồn kinh phí xây dựng kè ở khu vực này rất lớn nên lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị với Trung ương xin kinh phí. Hiện tại đoạn sạt lở bờ biển này đe dọa đến nhiều diện tích hồ nuôi tôm và khu dân cư Bình Trung với khoảng 100 hộ dân.