Giám sát để gỡ khó
Để đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai đã tổ chức các đoàn đi giám sát; đồng thời tìm giải pháp gỡ khó cho các địa phương trong quá trình thực hiện.
Với đặc thù là địa phương còn nhiều khó khăn, huyện Chư Păh có 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2022 được triển khai với tổng vốn trên 49,6 tỷ đồng. Các dự án này sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch…
Theo ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, khi triển khai các dự án, huyện Chư Păh còn gặp nhiều khó khăn để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; đầu tư phát triển nhóm DTTS. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và việc đóng góp của người dân, cộng đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án tại địa bàn vùng đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế.
Ông Nay Kiên đề nghị tỉnh Gia Lai và Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể từng dự án, tiểu dự án; lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý cho Chương trình, chính sách liên quan.
Huyện Krông Pa cũng là huyện nghèo, thuần nông nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Trong những năm qua, từ sức mạnh của toàn dân, sự linh hoạt của chính quyền trong vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã có từng bước đổi thay. Ông Hồ Văn Thảo - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, toàn huyện hiện có 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai với tổng số vốn trên 49,2 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đang triển khai nhiều Chương trình, dự án đầu tư nhằm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế như: Chương trình 30a; Chương trình 135; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và một số chương trình, chính sách giảm nghèo khác với tổng nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, để các chương trình được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao, ông Hồ Văn Thảo đề nghị, Trung ương sớm có hướng dẫn cụ thể từng dự án để cấp huyện, cấp xã có cơ sở, căn cứ tổ chức thực hiện kịp thời và hiệu quả.
Đánh giá hiệu quả của các Chương trình Mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Kim Đồng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, để triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền; chương trình hành động theo Chương trình 29 của Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, UBND các xã cũng đã bổ sung quyết định thành lập Ban Quản lý và quy chế hoạt động trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch giám sát đánh giá Chương trình Mục tiêu quốc gia đoạn 2021 - 2025. Với những dự án đang thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo ngay để tỉnh có biện pháp xử lý.