Hà Nội lại lo ùn tắc giao thông cuối năm
Từ đầu năm đến nay Hà Nội đã xoá được 8/35 điểm đen ùn tắc, nhưng với số lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng này, nhất là vào dịp cuối năm.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 23.439,61km đường giao thông. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,07%. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện đạt khoảng 17,8%.
Đáng chú ý, tính đến tháng 11/2022, toàn thành phố có hơn 7,78 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện. Đó là chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại TP Hà Nội. Như vậy, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng từ 4 - 5%/năm. Với phương tiện giao thông gia tăng nhanh, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Nêu một số nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông hiện nay, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề cập tới thực trạng quá tải hệ thống hạ tầng giao thông. Cụ thể số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải. Bên cạnh đó là ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Mặt khác công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Tam Trinh, Lĩnh Nam, Đường 70...; các cầu qua sông Hồng (Cầu Trần Hưng Đạo, Cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối. Không thể không nhắc tới các công trình được thực hiện trên địa bàn thành phố, đặc biệt khu vực trung tâm, quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông dịp cuối năm, ông Trần Hữu Bảo thông tin: Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với liên ngành tiếp tục tập trung công tác tổ chức giao thông xử lý 4 điểm ùn tắc giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo - đường gom Đại lộ Thăng Long. Cùng đó, tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến: Đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; đường Vành đai 3: Nút giao Pháp Vân - Ngọc Hồi - Giải Phóng; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng; Mai Dịch - cầu Thăng Long. Đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung: Nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung; nút giao Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến; nút giao Trần Phú - Phùng Hưng - Thanh Bình, Đường Âu Cơ, Nghi Tàm. Đồng thời, Sở xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân năm 2023.
Để giải quyết tình hình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, ông Bảo nhấn mạnh, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông. Mạnh tay hơn nữa với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…