Châu Á loay hoay với dân số

THẾ TUẤN 04/12/2022 09:15

Châu Á là châu lục đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, tới nay lại đang đứng trước những thách thức không nhỏ về dân số. Đó là tỷ lệ sinh, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh tại nhiều quốc gia. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ đang chịu sức ép dân số theo những cách khác nhau.

Sinh ít, những em bé Nhật Bản được cha mẹ chăm sóc rất chu đáo. Nguồn: AFP.

“Cháu cưng” robot giảm cô đơn cho ông bà

Nhiều năm qua, dân số Nhật Bản giảm, do nhiều người không kết hôn và cũng nhiều cặp vợ chồng “ngại” sinh con. Điều đó thấy rõ khi mới đây Công ty Takara Tomy cho ra mắt robot “cháu cưng” sở hữu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giảm bớt nỗi cô đơn cho người già. Robot này được bán tại Nhật Bản với giá 250 USD.

“Cháu cưng” Ami-chan có kho từ vựng lên đến 1.600 từ tiếng Nhật và dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân biệt từng cụ ông, cụ bà. Người máy nhỏ gọn này cũng có thể hát ít nhất 40 giai điệu và bài hát trước khi hết pin.

Sumino Nishihara, nhân viên một cửa hàng điện tử bán robot “cháu cưng” ở Tokyo, nói: “Ở Nhật Bản có đến 6 triệu người cao tuổi sống một mình. Tôi nghĩ rằng rất cần thiết để các cụ có ai đó trò chuyện cùng, hoặc ai đó khích lệ họ mỗi ngày. Cảm giác bế bồng người máy Ami-chan sẽ gợi nhắc lại những kỷ niệm khi còn chăm sóc con cháu của mỗi cụ ông, cụ bà. Họ có thể ru ngủ, thay quần áo và chải tóc cho Ami-chan”.

Theo thống kê chính thức của chính phủ Nhật Bản, quốc gia này có khoảng 36 triệu người cao tuổi (65 tuổi trở lên), trong đó gần 6 triệu người sống một mình.

Số liệu mới nhất do Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố cho thấy 9 tháng đầu năm nay chỉ có gần 600 nghìn trẻ được sinh tại Nhật Bản, thấp hơn 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là giảm gần 31.000 trẻ. Nếu tốc độ này duy trì, thì nhiều khả năng trong năm 2022 Nhật Bản sẽ lần đầu tiên ghi nhận số trẻ được sinh ra hàng năm ở mức dưới 800.000 trẻ, thấp nhất kể từ khi số liệu về dân số được thống kê từ năm 1899.

Khảo sát của Viện Dân số và An sinh xã hội Nhật Bản cho thấy, trong năm 2022 chỉ có hơn 24.000 cặp nam nữ đăng ký kết hôn so với gần 600.000 cặp vào năm 2019 trước khi dịch Covid-19 xuất hiện và có hơn 52% các cặp vợ chồng không có ý định sinh con.

Trong khi đó, già hóa dân số ở Nhật Bản được các chuyên gia dân số ví như "cơn sóng thần màu xám". Trong một nỗ lực ứng phó áp lực đến từ dân số già hóa, lần đầu tiên kể từ năm 1876, Nhật Bản đã hạ độ tuổi thành niên, đồng thời điều chỉnh độ tuổi kết hôn. Chính thức thì từ tháng 4/2022, tuổi thành niên ở Nhật Bản được hạ từ 20 xuống 18. Việc sửa đổi hàng loạt quy định luật được Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng có thể khuyến khích giới trẻ sớm lập gia đình, cải thiện tỷ lệ sinh và đảo ngược quá trình già hóa dân số. Đáng chú ý từ ngày 1/4/1022, hệ thống bảo hiểm y tế công của Nhật Bản sẽ chi trả 70% chi phí cho các phương pháp điều trị hiếm muộn. Chính sách mới nhằm khuyến khích phụ nữ hiếm muộn sinh con khi Nhật Bản vốn đã là một trong những nước có số lượng phụ nữ sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) lớn nhất thế giới. 7% trẻ ở nước này sinh ra trong ống nghiệm so với tỷ lệ 2% ở Mỹ. Ước tính, toàn bộ chi phí cho một chu kỳ thụ tinh IVF là hơn 500.000 Yen (gần 100 triệu VND).

Chưa hết, để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi luật nghỉ phép chăm sóc và giáo dục trẻ em: Nữ có thể nghỉ trước khi sinh 8 tuần, cả nam và nữ đều có thể nghỉ phép sau sinh 1 năm, được hưởng 67% lương.

Giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học là một trong những điều được Thủ tướng Kishida Fumio rất quan tâm, coi đây là ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Theo tầm nhìn dân số dài hạn của Nhật Bản, nếu tỷ lệ sinh tăng lên 1,8% đến năm 2030 và 2,07% đến năm 2040, Nhật Bản có thể chặn được tình trạng giảm dân số xuống dưới mức 100 triệu người vào năm 2060.

Số trẻ ra đời ít hơn số người tử vong

Tại Hàn Quốc, dân số cũng được dự báo sẽ giảm mạnh. Tờ Korea Times dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) cho thấy, dân số nước này dự báo sẽ giảm từ 52 triệu người năm 2022 xuống còn 38 triệu người vào năm 2070.

Dân số Hàn Quốc được ghi nhận xu hướng giảm kể từ thời điểm chính phủ nước này bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan năm 1949. Đối với Hàn Quốc, sự sụt giảm dân số phần lớn là do tỷ lệ sinh thấp nhất, ở mức 0,81 ca sinh trên một phụ nữ so với mức trung bình toàn cầu là 2,32 vào năm 2021. Đây cũng là mức sinh thấp thấp thứ 2 thế giới sau Hong Kong (Trung Quốc) với 0,75. Theo Liên hợp quốc, tính riêng từ năm 1970-2021, tỷ lệ sinh trung bình trên thế giới giảm 51,9%, trong khi Hàn Quốc giảm tới 82,2%. Dân số Hàn Quốc cũng đang già đi nhanh chóng và nước này được dự báo sẽ trở thành quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới vào năm 2070, vượt qua cả Nhật Bản nếu tình hình không được cải thiện.

Trong khi đó, KOSTAT công bố số liệu cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời tại nước này trong tháng 8 vừa qua ở mức thấp kỷ lục, trái ngược với số ca tử vong trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, chỉ có tổng cộng 21.758 trẻ chào đời ở Hàn Quốc trong tháng 8 năm nay, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất ghi nhận trong mọi tháng 8 kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan vào năm 1981.

Năm 2021, Hàn Quốc đã phá kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tổng tỷ suất sinh (TFR), tức là số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời, đã giảm từ 0,84 hồi năm 2020 xuống 0,81 trong năm 2021. Năm ngoái cũng là năm thứ 4 liên tiếp TFR của Hàn Quốc dưới mức 1.

Trái lại, tốc độ già hóa dân số nhanh và số ca tử vong vì Covid-19 khiến số người qua đời trong tháng 8 tại Hàn Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, với tổng cộng 30.001 người, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng theo KOSTAT, do số người qua đời cao hơn số trẻ chào đời, dân số Hàn Quốc đã giảm 8.243 người trong tháng 8, đánh dấu tháng thứ 34 liên tiếp dân số giảm.

Trong bối cảnh ấy, Hàn Quốc lại ghi nhận dân số là người nước ngoài giảm trong năm thứ 2 liên tiếp. Kết thúc tháng 11, thông tin từ Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết, dân số là người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc ở mức 2,13 triệu người, giảm so với 2,14 triệu người trong cùng kỳ năm trước đó. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận con số này giảm kể từ khi thực hiện thống kê lần đầu tiên vào năm 2006.

Con số này gồm những người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc từ 90 ngày trở lên, những người nhập tịch Hàn Quốc và con cái họ. Số liệu thống kê cũng cho thấy số lao động nước ngoài không mang quốc tịch Hàn Quốc cũng giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Ứng phó với tình trạng nhân khẩu học

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và hiện vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc cũng đang phải đối phó với tình trạng nhân khẩu học. Dù Chính phủ Trung ương cũng như chính quyền một số địa phương đã có nhiều quy định hỗ trợ người sinh con nhưng tình thế vẫn chưa thể cải thiện ngay.

Theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, dân số nước này chỉ tăng nhẹ trong năm 2021, từ 1,41212 tỷ người lên 1,1260 tỷ người. Đây là mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm. Trong khi đó, số lượng dân số già (trên 65 tuổi) tại Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, thậm chí có thể vượt qua số dân trong độ tuổi lao động vào năm 2080. Điều này có nghĩa rằng tới năm 2100, 100 người trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ 120 người cao tuổi, tăng gấp 6 lần so với tỷ lệ hiện nay.

Theo dreamstime.com, năm 2022 người từ độ tuổi 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số Trung Quốc (tăng 7% sau 2 thập niên, mức tăng nhanh nhất trên thế giới). Ước tính đến năm 2040, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên vượt 20% tổng dân số. Người già từ 80 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ 5%/năm và sẽ tăng lên hơn 74 triệu người vào năm 2040. Dự báo đến năm 2050, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc, với 380 triệu người.

Giải bài toán dân số vì thế được coi là vấn đề trọng tâm, là vấn đề xã hội của nhiều quốc gia.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Dân số Ấn Độ hiện là 1,412 tỷ người, trong khi dân số Trung Quốc là 1,426 tỷ. Các dự báo mới nhất của Liên hợp quốc cho rằng đến năm 2030 dân số toàn cầu có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người 8 tỷ người vào tháng 11/2022); năm 2050 tăng lên 9,7 tỷ và năm 2100 tăng lên 10,4 tỷ. Tuy nhiên, dân số thế giới đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950. Vẫn theo Liên hợp quốc, 2 khu vực đông dân nhất thế giới năm 2022 đều ở châu Á, trong đó 29% dân số toàn cầu (tương đương 2,3 tỷ người) ở Đông Nam Á và 26% (2,1 tỷ người) ở Trung và Nam Á.

THẾ TUẤN