‘Một Trái đất, một gia đình, một tương lai’
Kể từ ngày 1/12, Ấn Độ chính thức đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Đây là lần đầu tiên Ấn Độ giữ chức Chủ tịch G20, với 5 vấn đề ưu tiên: Phát triển và thịnh vượng; khả năng phục hồi chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Logistics và cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Giới truyền thông quốc tế cho rằng việc đảm nhận chức Chủ tịch G20 (luân phiên) ở thời điểm hiện tại là không dễ dàng, nhưng lại chính là cơ hội để Ấn Độ tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Trong khi đó, Thủ tướng Narendra Modi đã chuyển đổi chính sách đối ngoại của Ấn Độ theo hướng tập trung vào "lợi ích của toàn cầu". Thông qua vai trò Chủ tịch G20, Ấn Độ hy vọng sẽ mở rộng nguyên tắc này, hướng tới việc tìm kiếm các giải pháp bền vững cho các thách thức toàn cầu đang nảy sinh.
Lựa chọn chủ đề "Một Trái đất, một gia đình, một tương lai" cho năm Chủ tịch G20, Ấn Độ tuyên bố sẽ nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người trên thế giới.
Thủ tướng Modi coi đây là niềm tự hào của người dân Ấn Độ. Ông cam kết đưa G20 trở thành "chất xúc tác" cho sự thay đổi toàn cầu. Đó là cơ hội lớn để New Delhi ghi dấu ấn trong tiến trình hợp tác, phát triển của thế giới. “Tuy nhiên, để đạt được thành công, giới quan sát nhận định, Ấn Độ sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới đang đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng. Và chúng ta cũng cần nhớ rằng tầm quan trọng của G20 được phản ánh bởi sức mạnh kinh tế của khối: Các quốc gia thành viên của G20 chiếm hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới” - nhận xét của Reuters.
Trong khi đó, xét về phương diện kinh tế, trang Foreign Policy cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ là một cơ hội vàng. Bởi đây là thời điểm thuận lợi hơn bao giờ hết để New Delhi đảm nhận cương vị này, khi Ấn Độ đang là điểm sáng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6,8% trong năm tài khóa 2022, cao hơn các nền kinh tế G7. Và vai trò chèo lái G20 mang lại cho Ấn Độ cơ hội định hình chương trình nghị sự cho hợp tác toàn cầu, khi thế giới thoát khỏi bóng đen của đại dịch Covid-19. Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 vừa qua của Indonesia đã chứng kiến sự chia rẽ giữa các nền kinh tế thành viên xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.
Trang India Foundation nhận định: Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ bắt đầu trùng với thời điểm của một thời kỳ thay đổi trên phạm vi toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức, cả về mặt chính trị và kinh tế. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và các nước công nghiệp phương Tây, trong đó chủ yếu là thành viên của G20. Những hậu quả của nó đã làm đảo lộn quá trình phục hồi toàn cầu. Vì vậy, việc chủ trì diễn đàn hàng đầu thế giới về hợp tác kinh tế toàn cầu đòi hỏi trách nhiệm lớn từ các nhà lãnh đạo Ấn Độ, để định hình phản ứng quốc tế trước các thách thức cấp bách như suy thoái kinh tế, giá lương thực và năng lượng tăng cao, cùng những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19.
Còn bài viết trên India Express với tiêu đề "Những thách thức khi trở thành Chủ tịch G20 vào thời điểm địa chính trị bất ổn", đặt câu hỏi: "Liệu Ấn Độ có thể làm tốt nhiệm vụ, trở thành nhà hoạch định chính sách hay không"? Câu trả lời là New Delhi sẽ phải vượt qua nhiều chông gai, khi tình hình địa chính trị thế giới căng thẳng. Thách thức luôn đi cùng với cơ hội và việc phải vượt qua thách thức ra sao và nắm lấy cơ hội như thế nào.
Khi nhận chiếc búa chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 từ tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo (ngày 16/11) tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Thủ tướng Modi đã tuyên bố Ấn Độ sẽ tập trung vào lợi ích toàn cầu và thịnh vượng thế giới. Còn trong bài phát biểu trên sóng phát thanh hàng tháng "Mann Ki Baat" (Phản ánh vấn đề), Thủ tướng Modi khẳng định sẽ đưa G20 trở thành "chất xúc tác" cho sự thay đổi toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo G20 cũng như ngoài nhóm này đã có những đánh giá tích cực về việc Ấn Độ trở thành Chủ tịch G20 năm 2023. Vì rằng những năm qua, Ấn Độ đã thể hiện khát vọng thịnh vượng một cách mạnh mẽ, kể cả trong giai đoạn “đau đớn nhất” của đại dịch Covid-19. Hiện tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ đã tương đương với GDP của Vương quốc Anh, đứng thứ 5 thế giới.