Châu Âu chờ qua 'bão lạm phát'
Trong vòng 17 tháng qua, kết thúc tháng 11/2022, lần đầu tiên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bao gồm 19 quốc gia thành viên, lạm phát giảm. Ngày 4/12, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu cho biết, lạm phát tại Eurozone tháng 11 là 10%, từ mức 10,6% hồi tháng 10.
Trước đó, các nhà kinh tế dự báo lạm phát tháng 11 của Eurozone chỉ giảm xuống còn 10,4%. Lạm phát ở Eurozone giảm trong bối cảnh nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, khi giá bán buôn năng lượng và giá thực phẩm giảm mạnh đã bắt đầu tác động tới giá cả tiêu dùng.
Ông Frederik Ducrozet - Giám đốc phụ trách đầu tư kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management, nhận xét, áp lực từ giá khí đốt giảm, kéo theo giá thực phẩm, dịch vụ cũng như cước vận chuyển giảm. Trong đó, yếu tố lớn nhất giúp lạm phát tại Eurozone giảm trong tháng 11 là giá năng lượng đã tăng chậm lại, từ 41,5% của tháng 10 xuống còn 34,9%.
Cụ thể, kết thúc tháng 11, lạm phát ghi nhận giảm tại 14/19 quốc gia thuộc Eurozone, chỉ tăng tại 3 quốc gia và đi ngang tại 2 quốc gia còn lại. Nơi giảm mạnh nhất là Hà Lan với lạm phát từ 16,8% hồi tháng 10 xuống còn 11,2% trong tháng 11. Pháp hiện là nơi có tỷ lệ lạm phát thấp nhất, ở mức 7,1%. Còn Latvia có lạm phát cao nhất, 21,7%.
Tuy nhiên, theo bà Sandra Phlippen - Kinh tế trưởng ABN Amro, lạm phát tại Eurozone vẫn đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm, của Eurozone hiện vẫn ở mức 5%. Còn ông Andrew Kenningham - Kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Capital Economics thì cho rằng lạm phát lõi ở Eurozone sẽ vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn đáng kể so với mức mục tiêu của ECB trong năm tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo, lạm phát ở Khu vực Eurozone có thể chỉ giảm ngắn hạn vì chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Theo bà Lagarde, thật khó để biết liệu lạm phát năm 2022 vốn đã đạt mức kỷ lục 10,6% vào tháng 10 sẽ sớm giảm xuống trong toàn khối chỉ nhờ vào con số giảm trong 1 tháng.
"Khó có thể thấy lạm phát đạt đỉnh” - bà Lagarde nói và cho rằng vẫn nhìn thấy những rủi ro "đảo chiều", có nghĩa là chỉ số lạm phát có thể lại đi lên.
Trước đó, ngày 31/10, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu đã cảnh báo mức độ lạm phát tại Khu vực Eurozone sẽ còn kéo dài hết năm 2022, trong đó Đức, Italy và Pháp là 3 nước có mức lạm phát cao nhất. “Chúng ta cùng hy vọng với sự nhập cuộc mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương cũng như các chính phủ EU, lạm phát sẽ dừng lại ở tháng cuối năm 2022, trước khi đi xuống vào quý II/2023. Tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc rất lớn vào những gì diễn ra trong mùa dông này ở châu Âu”- đại diện ECB cho biết.
Kể từ tháng 8/2022, cùng với việc lạm phát gia tăng, thì các chuyên gia kinh tế Âu - Mỹ đã bày tỏ lo ngại EU sẽ rơi vào suy thoái. Báo cáo của các tổ chức tài chính lớn cho rằng “bánh xe kinh tế hậu đại dịch” của EU đã bị chậm lại rất nhiều so với kì vọng. Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, Eurozone sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ít ỏi là 0,3% trong năm 2022, đồng nghĩa với việc khối này rất dễ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Lo ngại này cũng được Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde không ít lần bày tỏ.
"Về cơ bản chúng tôi không dự báo tăng trưởng âm trong năm 2023, nhưng trong kịch bản xấu hơn năm 2022 thì có" - bà Lagarde nói.
Trở lại với việc lạm phát tại Khu vực Eurozone giảm nhẹ khi kết thúc tháng 11, EU dù phấn khởi nhưng vẫn không hoàn toàn yên tâm. “Trận ốm” kéo dài suốt từ tháng 3 tới nay đã khiến tất cả các chính phủ EU đã phải dốc sức bình ổn thị trường, kéo giảm lạm phát, kể cả phải áp dụng những chính sách tiết giảm việc sử dụng năng lượng cũng như tái khởi động những nhà máy điện hạt nhân. Vì thế, để vực dậy tốc độ phát triển, kéo giảm lạm phát, ngăn không để nền kinh tế rơi vào suy thoái là công việc lâu dài, cho dù dấu hiệu tích cực cũng đã xuất hiện.
Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu, để có thể ổn định tình hình, cùng với việc kéo giảm lạm phát, rất cần ngăn chặn suy thoái, mà một trong những điều cần làm nhất chính là tạo công ăn việc làm, khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp tầm trung và tăng cường xuất khẩu.
Cùng đó, việc vực dậy sức mạnh của đồng Euro được coi là cấp thiết. Đồng Euro trượt giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu khi chưa thoát khỏi lạm phát cao. Một đồng tiền yếu sẽ làm cho hàng nhập khẩu, chủ yếu bằng USD, đắt hơn. Khi những mặt hàng như nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian có chi phí cao hơn, chúng có thể làm tăng giá nội địa.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Eurozone có thể thiệt hại hơn 71 tỷ USD vì rủi ro khí hậu, khi mà những đợt lũ lụt và hạn hán kéo dài suốt trong năm 2022. Chủ tịch Ban Giám sát ECB, ông Andrea Enria, cho rằng các ngân hàng Eurozone cần gấp rút đánh giá và quản lý rủi ro khí hậu, thu hẹp chênh lệch dữ liệu và siết lại các quy tắc đang áp dụng về lãi suất. Cần lồng ghép những cảnh báo về rủi ro khí hậu và rủi ro môi trường vào hoạt động kinh doanh.