Phân hóa để xử lý đúng người, đúng tội
Bộ Chính trị vừa có kết luận về chủ trương phân hóa đối tượng trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên trong vụ án Việt Á. Nhìn rộng ra, có lẽ đã đến lúc phân hóa xử lý đối với cán bộ, đảng viên sai phạm để đảm bảo đúng người, đúng tội. Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc phân hóa để xử lý tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
PV:Thưa ông, Bộ Chính trị vừa có kết luận về chủ trương phân hóa đối tượng trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên trong vụ án Việt Á. Ông đánh giá thế nào về kết luận chủ trương này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi cho rằng chủ trương phân hóa đối tượng trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên trong vụ án Việt Á là hoàn toàn hợp lý. Kết luận của Bộ Chính trị là để trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật các vi phạm thì xem xét đánh giá nguyên nhân bối cảnh điều kiện cụ thể của mỗi đối tượng. Việc xem xét vị trí chức năng, điều kiện hoàn cảnh vi phạm để xử lý sao cho phù hợp, vì mỗi người có điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Bởi thực tế có người vi phạm do thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên; có người lợi dụng chức vụ, quyền lực để vi phạm.
Tất nhiên trong quá trình xử lý hình sự, các cơ quan chức năng cũng sẽ đánh giá toàn diện, xem xét cụ thể từng tình tiết, đánh giá tình tiết nào nào tăng nặng hoặc giảm nhẹ, tình tiết nào hưởng chính sách khoan hồng.
Nhưng đã là cán bộ, đảng viên, hay công chức thì phải làm theo chỉ đạo của cấp trên, thưa ông?
- Có thể họ ý thức được hành vi vi phạm, nhưng nghĩ rằng lãnh đạo chỉ đạo thì lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm. Luật Cán bộ, công chức đã quy định rất rõ, công chức có quyền đề nghị không thực hiện. Nhưng nếu lãnh đạo cứ yêu cầu thực hiện thì phải chỉ đạo bằng văn bản. Song thực tế lâu nay hiếm có thủ trưởng nào chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm lại ra văn bản mà đa phần chỉ đạo bằng miệng. Do đó, phần lớn các vụ việc, cán bộ đảng viên công chức cấp dưới vẫn bị xử lý. Như vậy là rất thiếu trách nhiệm. Cho nên nhiều khi các cán bộ đảng viên, công chức phải “chịu trận”, họ vướng vào vòng lao lý vì thủ trưởng chỉ đạo miệng, không để lại bút tích gì. Bởi vậy, việc phân hoá là rất hợp lý.
Tất nhiên trong quá trình xét xử, các cơ quan tố tụng đều có xem xét các tình tiết. Nhưng nếu phân loại ngay từ đầu sẽ sàng lọc được, và có trường hợp không nên đưa vào diện xử lý hình sự, bởi có trường hợp họ phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên mà không nhận thức hết mức độ sai trái.
Là người làm công tác nội vụ lâu năm, ông có suy nghĩ gì về việc cán bộ đảng viên, hay công chức có quan niệm “thà đứng trước hội đồng kỷ luật” còn hơn là “đứng trước hội đồng xét xử”?
- Điều đó thể hiện bản lĩnh của người cán bộ đảng viên, công chức. Nhận thức của cán bộ đảng viên, công chức là phải như thế. Họ cũng phải ý thức và bảo vệ mình. Có thể chấp nhận bị kỷ luật, hoặc chuyển công tác còn hơn là đứng trước toà án. Có thể anh bị kỷ luật, sau đó kiến nghị khiếu nại lên cấp trên chứ không thể biết sai mà vẫn cố tình làm để vi phạm pháp luật, vướng vào lao lý. Bởi đã là cán bộ đảng viên, công chức thì phải ý thức được pháp luật. Thấy cấp trên sai thì phải đấu tranh chứ không phải làm theo cái sai. Nhiều trường hợp không kiên quyết, vì nể, vì sợ mà làm theo.
Vậy phải chăng các quy định của chúng ta chưa đầy đủ để xác định trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, thưa ông?
- Có thể có những quy định cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi nhưng tôi cho rằng nếu thực hiện theo đúng các quy định hiện hành đã là tốt rồi. Cái chính là công chức không thực hiện theo luật, vẫn vì sợ mà làm. Về nguyên tắc công chức phải hiểu luật, những việc gì được làm, không được làm đã được quy định trong Luật Cán bộ công chức. Rồi trách nhiệm công vụ. Tuy nhiên nhiều khi thủ trưởng bảo làm, không để lại bút tích, bút phê nên nhiều công chức cấp dưới rất khổ.
Luật Cán bộ công chức, nghị định của Chính phủ quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Quy định đã có, vấn đề nằm ở tổ chức thực hiện. Do đó cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức.
Sau vụ Việt Á nhiều cán bộ đảng viên cấp dưới có tình trạng co mình, không dám làm như việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, nhiều người chuyển việc do sợ bị kỷ luật hoặc vướng vào vòng lao lý. Theo ông việc phân hoá sẽ giúp cán bộ yên tâm hơn khi công tác?
- Vừa qua tình trạng chậm trễ trong mua sắm trang thiết bị y tế hay mua sắm thuốc có hai mặt. Thứ nhất đó là có việc đấu thầu chưa chuẩn, có dấu hiệu trục lợi trong đó, nhưng giờ siết lại thì không dám làm. Nhưng có cả việc người thực hiện lo sợ nếu làm sẽ bị vi phạm nên không dám làm.
Việc phân hoá là cần thiết để rõ trường hợp nào vi phạm, trường hợp nào do thực hiện theo chỉ đạo mà vướng vào vòng lao lý. Thực tế vì cơm áo gạo tiền, sinh mệnh chính trị nên không dễ gì cán bộ đảng viên, công chức không thực hiện theo lệnh của cấp trên. Bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm, vì nhiều trường hợp không làm theo đã bị kỷ luật hoặc bị điều chuyển công tác. Còn nếu thực hiện, khi có vấn đề gì lại phải chịu trách nhiệm là điều rất đáng tiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!