Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường
Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể, bao hàm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật; thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc Mường. Tại Hà Nội, nhiều nét đẹp của Mo Mường vẫn được gìn giữ ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất. Song, việc bảo tồn cũng đứng trước không ít khó khăn.
Đồng bào dân tộc Mường có hệ thống tín ngưỡng, văn hóa độc đáo. Trong đó, Mo Mường là áng sử thi phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ. Các sinh hoạt của Mo Mường liên quan đến cả vòng đời một con người. Trong tất cả các sự kiện quan trọng tiếp theo của đời người như đám cưới, lễ mừng nhà mới... đều có sự xuất hiện của ông Mo, với các bài cúng, gọi là Mo Mường.
Cách đây vài chục năm, nhất là nửa đầu thế kỷ XX, hầu hết các lễ thức Mo Mường được gìn giữ nguyên vẹn. Số người thực hành Mo Mường cũng còn nhiều. Tuy nhiên, do cuộc sống có nhiều thay đổi, đồng thời, có khoảng thời gian, nhiều nghi thức của Mo Mường bị cho là hoạt động mê tín, dị đoan nên bị vận động dẹp bỏ hay thu hẹp. Di sản quý này đứng trước nguy cơ mai một.
Trước thực tế này, thành phố Hà Nội đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng các đề án, dự án bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có Mo Mường. Trong đó có Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020”, “Bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016-2020”… Hiện nay, thành phố đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mặc dù vậy, Mo Mường có những giá trị độc đáo riêng, đòi hỏi sự đầu tư chuyên sâu. Việc bảo tồn di sản Mo Mường vẫn còn nhiều vướng mắc.
Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Chính quyền và ngành văn hóa địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng người thực hành Mo Mường trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật và việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi và tang ma. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền dạy nhằm tăng cường sức sống cho di sản; khuyến khích mỗi cộng đồng người Mường đào tạo các thế hệ kế cận thực hành di sản Mo Mường thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo; kết hợp tư liệu hóa di sản Mo Mường”.
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức tập huấn để nhận diện giá trị, nâng cao kiến thức, nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, những người thực hành di sản Mo Mường (thầy Mo), hướng dẫn nghiệp vụ kiểm kê di sản, chuẩn bị triển khai xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường. Với những hoạt động cụ thể này, Hà Nội đang chủ động các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị Mo Mường từ cơ sở, tiến tới đưa Mo Mường được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.