Vay 'nóng' vì thiếu vốn đầu tư?
Mặc dù đã hồi phục, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến tình trạng hàng loạt ngành nghề, doanh nghiệp khát vốn đầu tư.
Doanh nghiệp muốn sớm nới trần tín dụng
Khó vay vốn ngân hàng, trong 2 tháng 10 và 11, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp (DN) chỉ mong các ngân hàng nới room tín dụng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa mới kiến nghị nới trần tín dụng thêm 1% trước Tết Quý Mão 2030. Theo ông Châu, một trong các giải pháp có tác động lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất chính là giải pháp tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh, trong đó có DN bất động sản và người mua nhà.
Đại diện HoREA nhận thấy, trong 11 tháng đầu năm nay, chỉ số CPI chỉ tăng 3,02%, khả năng cả năm 2022 thì CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đề ra, thu ngân sách nhà nước đạt 116% kế hoạch cả năm cho thấy nền kinh tế nước ta có sức chống chịu khá vững chắc và đang trong quá trình phục hồi, tăng trưởng trở lại. Do vậy, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần tín dụng thêm 1%. Nghĩa là nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 lên 15% để có thêm nguồn tín dụng khoảng hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng cuối năm đến trước Tết Quý Mão 2023.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cho biết, DN đang cần vốn để thực hiện các chương trình bình ổn trong tiêu dùng cuối năm. Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM nhấn mạnh, việc nới room 1% cần thực hiện sớm. Nếu áp dụng muộn quá thì đã sang năm 2023, khi đó vấn đề không nằm ở mức 1% mà sẽ có thể sẽ còn cao hơn. Khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn đang đặt DN, nhất là DN tư nhân vào tình thế cấp bách, khó khăn.
Theo ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, khó khăn này đang ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước. Trong đó, thách thức về việc tiếp cận vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực DN tư nhân. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của DN đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Doanh nghiệp tự cứu mình
Nói về vốn đầu tư cho DN, TS Trần Du Lịch khẳng định, tổng lượng cung tiền không thiếu nhưng thị trường đang thiếu vốn. Tiền nằm trong túi, nằm chết thì là tiền, còn chuyển ra thị trường mới gọi là vốn. “Hiện các DN thấy ruộng khô, thiếu nước nhưng đâu đó có hồ nước mênh mông mà không chảy tới ruộng” - ông Lịch ví von và đặt vấn đề tại sao tiền không chuyển thành vốn. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, trong khi nguồn vốn này có tính lan tỏa rất lớn. Nếu 800.000 - 900.000 tỷ đồng vốn đầu tư công không xử lý được thì sao không chuyển thành vốn.
Vẫn theo ông Lịch, về đề xuất tăng thêm tín dụng 1%, khoảng 100.000 tỷ đồng nhưng quan trọng là bơm vào đâu. Bơm vào thị trường đầu cơ sẽ chết thêm, còn bơm đúng chỗ rất khó. “DN phải tự cứu mình trước khi chờ chính sách của nhà nước. Có DN không nhận đơn hàng khi giá đơn hàng xuất khẩu giảm, lãi suất cao, đồng USD lên giá. Có DN tính đến phương án có thể trợ cấp cho lao động còn tốt hơn nhận đơn hàng nhưng lỗ nặng. Do đó, mỗi DN sẽ có giải pháp phù hợp. Còn đối với những DN bất động sản lớn có những tồn tại buộc phải tái cấu trúc mới kêu nhà nước hỗ trợ thêm” - ông Lịch nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM cho rằng, DN sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn dễ gặp rủi ro khi môi trường bên ngoài thay đổi. Bản thân các DN đang khó khăn phải tái cấu trúc trước khi chờ đợi các chính sách của nhà nước vì tác động của chính sách lên thị trường luôn có độ trễ.
Để xử lý việc thiếu vốn, một số ý kiến cũng cho rằng DN cần chủ động mời gọi DN khác cùng đầu tư. Có những DN sẵn sàng đầu tư nếu gặp dự án tốt. Ngoài ra, cần tìm kiến dòng vốn ngoài bên cạnh vốn của ngân hàng thương mại trong nước.
Nói như ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital, kinh tế Việt Nam dù đang gặp khó khăn nhưng chỉ là nhất thời. Điều kiện vĩ mô của Việt Nam bây giờ đã khác xa so với 10 năm trước. Vì thế, việc hợp tác DN trong và ngoài nước là hoàn toàn có thể.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết, những tháng cuối năm cộng đồng DN khó khăn nhiều. Trong đó nhiều DN đang khát vốn cho hoạt động sản xuất hàng cuối năm và giữ chân công nhân. Thế nhưng, DN lại không vay được tiền. Để giải quyết bài toán về tài chính, nhiều DN đang phải vay nóng với lãi suất 3 - 5%/tháng. Lãi suất vay nóng cao nhưng DN buộc phải vay với mong muốn khi ngân hàng nới room sẽ vay rồi trả lại.