Hà Giang nâng cao nhận thức để ngăn chặn tảo hôn
Đói nghèo thường đi liền với lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đó chính là bài toán nan giải ở Hà Giang. Điều này càng khó khăn hơn khi dân trí tỉnh vùng cao này còn thấp. Để đẩy lùi đói nghèo và hôn nhân cận huyết, Hà Giang tập trung công tác tuyên truyền bằng các hình thức đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con nâng cao nhận thức, từ đó chặn đứng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trường THPT Xín Mần (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) vừa tổ chức cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Dù nhiều bức tranh còn đơn sơ, nhưng chủ đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc gia đình, tương lai con cái thể rõ nét.
Bức Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống chặn đường tương lai của em Phạm Thu Thảo (lớp 12A1) mô tả một cô gái trẻ trước hai ngả đường, một bên là lấy chồng sớm, bỏ bê học hành và có đàn con nheo nhóc; một bên là hạnh phúc khi tiếp tục học hành, hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Bức Ước mơ đến trường của các tác giả Sùng Thị Miến, Sùng Văn Giang (lớp 11A1) lại dựng lên bối cảnh một bạn gái trẻ đang bế con, trong khi các bạn cùng trang lứa vẫn cắp sách đến trường. Ước mơ đến trường của bạn gái đã chấm dứt vì đã lỡ lấy chồng sớm.
Trước đây, việc các em học sinh ở lứa tuổi 14-15 phải nghỉ học lấy chồng không phải là chuyện hiếm. Vì vậy, việc tổ chức cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức của các em và gia đình, giúp các em có kiến thức để bảo vệ chính mình khỏi vấn nạn hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn.
Hà Giang là tỉnh ở tận cùng phía Bắc nước ta, nơi có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, dân tộc thiểu số chiếm 87,67%; trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,24%, Dao 14,88%, Nùng 9,53%... Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi cao, địa hình chia cắt và thường hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt. Trong nhiều năm liền, Hà Giang luôn ở trong “tốp đầu” về đói nghèo. Đói nghèo đi kèm với nhận thức hạn chế về mọi mặt. Theo điều tra gần đây của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn là hơn 0,1%, nghĩa là cứ 1.000 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng thì có gần 11 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ/chồng của mình. Tỷ lệ này của Hà Giang cao gấp gần 2 lần so với của cả nước và cao gấp 2,1 lần so với vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Vấn nạn tảo hôn cũng hoành hành ở nhiều địa bàn, nhất là các huyện thuộc cao nguyên đá như: Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ… Vì thế, để thoát nghèo thì ngăn chặn hôn nhận cận huyết thống, tảo hôn cần song hành. Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025” Đề án tập trung thực hiện ở 7 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Hà Giang chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức.
Do trình độ dân trí còn chưa cao, nên các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang chú trọng triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền bằng các hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, các hình thức sinh hoạt văn hoá sinh động như: Hội nghị, hội thảo, các cuộc thi, sân khấu hóa, sinh hoạt câu lạc bộ, các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông bằng tiếng dân tộc… hay điển hình như cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tổ chức tuyên truyền tại các huyện với 11.214 lượt hoạt động truyền thông, thu hút 1.238.900 lượt người tham gia; cấp phát trên 10.000 tờ rơi; 2.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, có song ngữ Việt – Mông; 1.000 cuốn sổ tay; 500 đĩa video; 941 pa nô, áp phích...
Nhiều địa phương phân công nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách dân số, tư pháp xã thường xuyên theo dõi, quản lý đối tượng vị thành niên, thu thập thông tin, dự báo trước các trường hợp kết hôn, cặp có khả năng kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống để tư vấn, can thiệp kịp thời; đồng thời nâng cao ý thức tự giác trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình. Tại các trường, học sinh được cán bộ địa phương, thầy, cô giáo, Đoàn Thanh niên của nhà trường tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi, trả lời những thắc mắc giúp học sinh bày tỏ những quan điểm về sức khỏe sinh sản, dấu hiệu thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn.
Mưa dầm thấm lâu, dần dần, nhận thức của người dân đã thay đổi. Xã Lũng Pù (huyện Mèo Vạc) là một thí dụ. Giai đoạn năm 2017 - 2018, cả xã có trên dưới 15 vụ tảo hôn, nhưng kể từ khi Ban chỉ đạo phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết được thành lập, xã Lũng Pù đã không còn ghi nhận trường hợp tảo hôn mới phát sinh. Chỉ cần gia đình nào có biểu hiện tảo hôn, địa phương sẽ ngay lập tức ngăn chặn.
Em Sùng Thị Mây cũng là một trong những trường hợp được hỗ trợ kịp thời để tránh rơi vào cảnh tảo hôn. Cách đây vài tháng, khi mới 16 tuổi, em đã về sống ở nhà bạn trai tại xã khác. Nắm được tình hình, cán bộ địa phương đã đến từng nhà để vận động, khuyên nhủ, thậm chí xuống tận nơi để đón em về.
Em Sùng Thị Mây cho biết: “Năm ngoái em định lấy chồng nên mọi người khuyên em về em tiếp tục đi học. Em muốn đi học kiếm tiền, chờ một thời gian nữa em mới lập gia đình”. Từ việc thực hiện Đề án, nhiều địa phương đã sáng tạo ra những cách làm, những mô hình hay thành lập Câu lạc bộ Thanh niên nói không với tảo hôn, phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết…
Hà Giang đang phấn đấu đến hết năm 2025 có 75% trở lên các gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu, sự cần thiết tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ. Đến năm 2030 cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh.