Đông Hải - Bạc Liêu thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển và năng lượng, huyện Đông Hải đang là “vùng trũng” thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bạc Liêu đề ra mục tiêu đô thị hóa 45% và có đô thị loại 1 vào năm 2025. Trong đó, huyện Đông Hải được chú trọng phát triển để trở thành một trong những động lực kinh tế của tam giác kinh tế Bạc Liêu - Cà Mau - Cần Thơ.
Đông Hải sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021, huyện Đông Hải vẫn thu hút gần 120.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các lĩnh vực thu hút vốn FDI bao gồm: năng lượng tái tạo, cảng biển nước sâu và nông nghiệp - thủy sản công nghệ cao.
Đầu tư hạ tầng giao thông thu hút nhà đầu tư
Nhận thức rõ ý nghĩa của hạ tầng giao thông trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư, tỉnh Bạc Liêu chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh, đặc biệt tại huyện Đông Hải. Các tuyến đường huyết mạch kết nối Bạc Liêu với các tỉnh trong khu vực đang được gấp rút triển khai để việc đi lại, giao thương tại địa phương được thông suốt.
Tuyến cao tốc ngang miền Tây Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026, góp phần thúc đẩy kinh tế ĐBSCL phát triển vượt bậc. Tuyến đường bắt đầu từ TP.Hà Tiên đến TP.Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại Bạc Liêu kết nối đi các tuyến huyện trọng điểm kinh tế như thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải. Dự án được đầu tư với số vốn hơn 33.000 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn 1 tuyến đường dài 225km, rộng 17m gồm bốn làn xe với vận tốc 80km/h, có dải phân cách ở giữa.
Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển giao thông ở miền Tây, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời, dự án góp phần hoàn thiện, hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ, kết nối giữa các vùng và nước bạn Campuchia cũng như khu vực Đông Nam Á.
Với định hướng rõ ràng kết nối kinh tế giữa các tỉnh ĐBSCL, chính quyền địa phương 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đang gấp rút thi công cầu qua sông Gành Hào nối huyện Đầm Dơi (Cà Mau) với huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Công trình có tổng mức đầu tư lên đến hơn 650 tỷ, chiều dài cầu lên đến gần 1.000m, bề rộng 2 làn 9m.
Cầu qua sông Gành Hào góp phần phục vụ nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển sản xuất, trao đổi, mua bán hàng hóa giữa hai tỉnh. Đồng thời, dự án tạo trục đường kết nối cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) với cửa biển Gành Hào (Bạc Liêu), rút ngắn thời gian lưu thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế biển
Huyện Đông Hải nằm ở vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Huyện có ngư trường rộng với chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm hai cửa sông lớn Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển và một cảng biển.
Để giúp huyện Đông Hải phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tạo nên những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế biển, tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành chính sách khuyến khích người dân bám biển đi lên làm giàu đồng thời đầu tư phát triển cảng biển nước sâu.
Từ bao đời nay, người dân Đông Hải đã coi biển là nguồn sống. Theo định hướng phát triển mới, chính quyền địa phương tập trung khai thác theo hướng hiệu quả và bền vững, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. UNBD huyện Đông Hải đặc biệt đã chú trọng phát triển ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản. Các đội tàu cá có công suất lớn, đủ khả năng đánh bắt xa bờ được hình thành. Đồng thời, huyện cũng nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh khu vực Cảng cá Gành Hào với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đạt quy mô cảng cá loại I.
Cảng biển nước sâu Gành Hào - Đông Hải là đầu tàu thu hút phát triển kinh tế của ĐBSCL. Chính phủ đã phê duyệt phát triển cảng biển nước sâu hỗn hợp Gành Hào - Đông Hải rộng 3.5ha - cách đất liền 17-18km, có thể đón tàu trọng tải từ 30.000 DWT - 100.000 DWT theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/06/2014 và Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 về “Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Công trình được xây dựng theo mô hình cảng hỗn hợp giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp và du lịch của cả vùng ĐBSCL.
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng cảng biển nước sâu và chủ động phát huy các thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, huyện Đông Hải luôn ở thế sẵn sàng đón các dự án quy mô từ các nhà đầu tư nước ngoài. Sức vươn lên mạnh mẽ của địa phương góp phần đáng kể vào mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành đô thị loại I vào năm 2025.