Gánh nặng sinh kế với bệnh nhân lao
Theo mục tiêu, đến năm 2030 sẽ chấm dứt được bệnh lao. Song sau 2 năm bởi dịch Covid-19, số người mắc bệnh lao gia tăng, đặc biệt là ở vùng nông thôn lao động di cư, người dân tộc thiểu số. Dù bệnh lao đã được Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả song nhiều người mắc lao vẫn đứng trước nguy cơ tái nghèo vì chi phí điều trị kéo dài, gây tốn kém.
Tái nghèo vì lao
Sau nhiều năm cố gắng, chắt chiu làm ăn, gia đình chị Tiêu Thị Hương (TP Hải Dương) cũng “ trả” được sổ hộ nghèo. Niềm vui thoát được hộ nghèo chưa được bao lâu thì chồng chị mắc bệnh lao. Phát hiện lao lần thứ nhất năm 2019, nhờ tuân thủ nghiêm túc phác đồ về điều trị lao, sau 6 tháng điều trị tích cực chồng chị khỏi bệnh song tài sản trong nhà cũng “đội nón ra đi”, cộng thêm số tiền vay nợ mới khiến gia đình chị Hương đứng trước nguy cơ tái nghèo. Nợ cũ chưa trả hết thì tháng 4/2022 chồng chị tiếp tục phát hiện mắc lao lần 2. “Bị mắc lần 2, cơ thể chồng tôi suy nhược trầm trọng nên tôi phải mua thêm rất nhiều thuốc bổ, vitamin để bổ sung cho chồng, chưa kể chế độ ăn uống dinh dưỡng hàng ngày. May mà tiền viện phí, thuốc điều trị lao được phát miễn phí và BHYT chi trả” - chị Hương cho biết.
Ông Lê Mô Toa (72 tuổi, trú thôn Ma Giai thuộc xã Đất Bằng, xã sâu nhất của huyện Krông Pa (Gia Lai), gương mặt hốc hác, người gầy gò vì bị bệnh lao hành hạ. Ông cho biết, dạo này sức khỏe đã khá hơn nhiều. Trước đó, ông bị ho liên miên, người mệt mỏi. Tháng 5 vừa qua, các y bác sĩ, y tế thôn đã khám bệnh miễn phí nên mới biết mình bị bệnh lao. “Nhờ có thuốc BHYT cấp nên tôi không phải chi trả tiền điều trị nhưng 6 tháng qua không đi làm được, phải vay mượn để trang trải cuộc sống. Con cái tôi cũng nghèo nên cũng không nhờ cậy được gì” - ông Toa chia sẻ.
Hỗ trợ tạo sinh kế
Hiện Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Thống kê cũng cho thấy, hiện nay có khoảng 70% bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí song với thời gian điều trị kéo dài cùng với nhiều bệnh lý kèm theo nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.
Chia sẻ về gánh nặng chi phí trong điều trị lao, bác sĩ Kpả Híp - Trưởng trạm Y tế xã Ia Mlah, huyện Krong Pa, Gia Lai cho biết, phần lớn người dân trong xã sống dựa vào nông nghiệp, chủ yếu trồng sắn lấy tinh bột. Thu nhập rất thấp. “Trong khi đó, việc điều trị lao rất tốn kém cả về thời gian và kinh tế, rất nhiều người đã mắc lại vì không có điều kiện chữa theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên, với việc BHYT thanh toán thuốc điều trị lao cho bệnh nhân đã giúp người bệnh duy trì phác đồ điều trị mà không phải chi trả bất kỳ phí dịch vụ nào” - bác sĩ Kpả Híp cho biết.
Thực tế cho thấy, bệnh lao để lại những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Người mắc bệnh lao không chỉ đối mặt với bệnh tật, suy giảm sức khỏe, nguy cơ đến sự sống còn của bản thân mà còn phải đối mặt với chi phí điều trị y tế tốn kém, tổn thương về tâm lý xã hội, khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng. Cuộc sống của gia đình có bệnh nhân lao trở nên khó khăn, nguy cơ rơi vào nghèo đói, chi phí xã hội tăng cao bởi các chi phí phòng, chống lao và các thiệt hại kinh tế do bệnh lao mang lại đối với lực lượng lao động xã hội. Do vậy, để phòng, chống lao có hiệu quả bên cạnh ngành y tế với vai trò chủ đạo, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự hỗ trợ, trợ giúp của cộng đồng để người mắc lao và gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội.
Theo bà Phạm Thị Hải Hà - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đa phần cuộc sống của những gia đình có bệnh nhân lao đều rất khó khăn, chính vì vậy, Bộ đã thực hiện lồng ghép vào các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội và an sinh xã hội của Việt Nam để trợ giúp nhóm đối tượng này.
“Cùng với việc hỗ trợ trong điều trị thì tạo sinh kế cũng rất được quan tâm. Theo đó, những bệnh nhân mắc bệnh lao mãn tính thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm đảm bảo sinh kế” – bà Hà cho hay.