Khát vọng vươn lên
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Đối thoại hữu nghị với các địa phương quốc tế có quan hệ với thành phố. Đối thoại với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Nên - Bí Thư Thành ủy TPHCM; ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và lãnh đạo 24 địa phương quốc tế. Đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức đối thoại đặc biệt này, càng cho thấy tính năng động, chủ động và khát vọng vươn lên của thành phố.
Ngay sau Đối thoại hữu nghị là Hội nghị thị trưởng với chủ đề “Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển”.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, sự kiện là dịp để thành phố tri ân các địa phương quốc tế đã hỗ trợ thành phố vượt qua đại dịch Covid-19 và ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác trong quá trình xây dựng, phát triển.
Hiện TPHCM đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 53 địa phương ở cả 5 châu lục. Trong số đó, người bạn lâu đời nhất của TPHCM là Manila của Philippines và người bạn mới nhất là bang Victoria của Australia (thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị từ tháng 5/2022).
Thời gian qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác cấp địa phương của TPHCM tăng về số lượng và các hoạt động hợp tác được triển khai ngày càng đa dạng đã mang lại nhiều kết quả thiết thực góp phần đáng kể trong triển khai chính sách đối ngoại quốc gia và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đáng chú ý, từ hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống là kinh tế, văn hóa, tới nay các hoạt động hợp tác được mở rộng dần, như y tế, khoa học kỹ thuật, quản lý đô thị, đào tạo nhân lực, môi trường, chuyển đổi số. Sự phát triển các quan hệ này đã phản ánh tính năng động, chủ động của TPHCM.
Từ lâu, chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước rất coi trọng. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế, trong đó có Cộng đồng Pháp ngữ (từ năm 1970). Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) ở cả cấp độ song phương và nhiều bên, từ đó thiết lập được quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Trong đó, 2 FTA rất quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Cũng từ những FTA mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện, nền kinh tế đất nước đã phát triển nhanh chóng, đặc biệt là xuất khẩu. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới tăng lên theo từng năm. Kể cả 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành (2020-2021) thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì, không bị đứt gãy. Sang năm 2022, hậu Covid, giao thương của Việt Nam hồi phục mạnh mẽ. Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,46 tỷ USD, tăng 10,1%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 74,4%. Về nhập khẩu, 11 tháng của năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,19 tỷ USD, tăng 9,6%.
Như vậy, 11 tháng năm nay, Việt Nam xuất siêu gần 11 tỷ USD.
Trở lại với TPHCM, là đô thị với gần 13 triệu dân, tốc độ tăng trưởng hàng năm cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước luôn đứng đầu cả nước. Thành phố trong vai trò đầu tàu kinh tế có lợi thế rất lớn về hợp tác quốc tế và trên thực tế luôn là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong 9 tháng của năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) vào TPHCM đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đăng ký của cả nước, tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Nếu như trước đây TPHCM chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ thì hiện nay đã có bước chuyển dịch mới: Đa số các dự án lớn đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông.
Chính vì thế, việc TPHCM tổ chức Đối thoại hữu nghị với các địa phương quốc tế có quan hệ với thành phố một lần nữa khẳng định sự chủ động, năng động; đồng thời cho thấy khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ của thành phố đầu tàu kinh tế của đất nước.