Tuyển sinh đại học: Tự chủ nhưng không tự do
Nhiều trường đại học đề xuất, mùa tuyển sinh năm 2023, Bộ GDĐT cần có những giải pháp mạnh trong quản lý, điều hành để tránh việc loạn các phương thức xét tuyển.
Không thể tuyển sinh ào ào
Thực hiện Luật Giáo dục đại học và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GDĐT, từ nay đến năm 2025, các cơ sở đào tạo ngày càng được tự chủ cao trong công tác tuyển sinh.
Trong đó, các trường có thể tổ chức tuyển sinh bằng nhiều phương thức như thi tuyển, xét tuyển, kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển... Tinh thần này đã được thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2022.
Việc tự chủ trong tuyển sinh trong những năm qua dù có nhiều tích cực nhưng nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2022 với hàng loạt các phương thức xét tuyển, trong đó có nhiều phương thức tuyển sinh gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Đánh giá cao kết quả công tác tuyển sinh đại học năm 2022 tuy nhiên TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay, nhiều phương thức tuyển sinh không phát huy hiệu quả. Thực tế, thí sinh vẫn chủ yếu nhập học bằng kết quả tuyển sinh theo phương thức xét học bạ THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
“Tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức này hơn 88%” - TS Võ Thanh Hải thông tin và cho rằng, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển cũng khiến thí sinh bị rối và các trường gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình xét tuyển.
TS Võ Thanh Hải cũng cho rằng, hiện, chúng ta chỉ dừng lại lọc ảo với thí sinh trúng tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển được các trường công bố từ trước đó, dẫn đến tỷ lệ ảo ở phương thức này cao hơn. Do đó, năm 2023 cần tính toán để giảm tỷ lệ thí sinh ở phương thức xét tuyển sớm.
Còn PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh không phải là vấn đề đáng quan ngại với chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo, bởi mỗi phương thức đều có quy định cụ thể về chuẩn “đầu vào”.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, việc được tự chủ còn gắn với việc chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và người học. Vì vậy, các trường không thể tuyển sinh ào ào cho đủ chỉ tiêu.
Giữ ổn định trong tuyển sinh
Số liệu thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên. Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể.
Do đó, ông Sơn lưu ý các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, để đảm bảo hiệu quả công bằng giữa các thí sinh trong quá trình tuyển sinh.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. Cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh, để đến năm 2023 trên phần mềm thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo.
Từ kết quả trong công tác tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đề xuất, năm 2023 không nên thay đổi quy chế tuyển sinh.
Về vấn đề này, TS Võ Thanh Hải nêu quan điểm, Bộ GDĐT nên giữ ổn định công tác tuyển sinh năm 2023; đẩy tiến độ xét tuyển lên sớm hơn, nên trở lại lịch tuyển sinh của những năm trước khi có dịch Covid-19. Việc này nhằm giúp nhà trường kịp tổ chức khai giảng năm học mới vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 và không ảnh hưởng đến cấu trúc đào tạo tín chỉ của năm kế tiếp.
TS Võ Thanh Hải cũng đề xuất, nên chăng giới hạn lại một số phương thức xét tuyển không hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh khi lựa chọn đăng ký phương thức xét tuyển. Mặt khác, tránh những nhầm lẫn, sai sót không đáng có khi các em đăng ký xét tuyển.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng, quy chế tuyển sinh đại học năm 2023 cần được giữ ổn định trong thời gian trung hạn nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Nếu có điều chỉnh kỹ thuật cũng cần công bố sớm để các trường và thí sinh chủ động.
Trao đổi về dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết, về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) phương thức không phù hợp, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bộ cũng rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh. Trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1 và rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.