Mặt trận Thanh Hóa là điểm sáng trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội
Đánh giá về công tác tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh đã ký quy chế phối hợp rất rõ ràng, cụ thể, nhất là các nội dung liên quan đến giám sát, phản biện xã hội cũng như bố trí kinh phí cho công tác này.
Nhiều kết quả đạt được
Trong những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, góp phần xây dựng tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hằng năm, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp giám sát, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Giai đoạn 2013 - 2021, MTTQ các cấp đã tổ chức 7.110 cuộc giám sát độc lập và phối hợp tham gia 9.458 cuộc giám sát; tập trung vào các lĩnh vực được nhiều người dân quan tâm, như: Chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; công tác GPMB các dự án trọng điểm; việc công khai và thực hiện các kết luận thanh tra; thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Đồng thời, hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân các cấp giám sát 8.451 vụ việc, xác minh 825 vụ việc; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 6.251 vụ việc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 12.598 công trình, dự án ở địa phương, kiến nghị xử lý 2.326 công trình vi phạm.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã ban hành 4.890 văn bản kiến nghị và đã nhận được 4.030 văn bản phản hồi; các tổ chức chính trị - xã hội ban hành 5.988 văn bản kiến nghị và đã nhận được 1.437 văn bản phản hồi. Hầu hết các kiến nghị sau giám sát đều được UBND các cấp chỉ đạo thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Về công tác phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã tổ chức phản biện xã hội đối với 1.745 dự thảo văn bản của cấp ủy, các chương trình đề án, cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp và nhận được 1.431 văn bản phản hồi; các tổ chức chính trị - xã hội các cấp sau khi ban hành văn bản phản biện đã nhận được 137 văn bản phản hồi.
Trong 9 tháng năm 2022, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức giám sát 619 cuộc, giám sát bằng văn bản 46 cuộc. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 11 cuộc phản biện xã hội, tổ chức góp ý đối với 38 dự thảo văn bản luật, đề án, kế hoạch, chương trình của các bộ, sở, ngành và của UBND tỉnh.
MTTQ tỉnh Thanh Hóa là một điểm sáng
Mặc dù công tác tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số thành quả tích cực, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, việc triển khai thực hiện công tác giám sát có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa chủ động, có việc còn mang tính hình thức; kỹ năng giám sát còn hạn chế, việc lựa chọn nội dung đối tượng giám sát một số việc chưa thật sự phù hợp; phương pháp thực hiện còn đơn điệu.
Việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động phản biện xã hội tại một số nơi còn chưa thực sự rõ nét, nhất là ở cấp cơ sở.
Việc tổ chức cho Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua hoạt động của các Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng của MTTQ cấp cơ sở chưa đồng đều, chưa thực sự hiệu quả; việc xây dựng chương trình giám sát hàng năm, có nơi còn chồng chéo, bất cập.
Theo bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa thì việc tổ chức các cuộc giám sát, góp ý, phản biện xã hội theo yêu cầu của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch góp ý, phản biện các vấn đề mà Nhân dân quan tâm; nội dung giám sát, phản biện xã hội tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
MTTQ các cấp kiên trì theo dõi kết quả việc các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu những ý kiến góp ý, phản biện của mình; tăng cường tập huấn hoạt động của Ban tư vấn cho cán bộ MTTQ và Ban tư vấn các cấp, nhất là cấp cơ sở…
Trong buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa vào tháng 5/2022, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từng nhấn mạnh rằng: Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh đã ký quy chế phối hợp rất rõ ràng, cụ thể, nhất là các nội dung liên quan đến giám sát, phản biện xã hội cũng như bố trí kinh phí cho công tác này.
Ngày 26/10/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 18 về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Khi Chỉ thị đi vào đời sống, MTTQ các cấp sẽ chủ động hơn trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức giám sát hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án, dự án lớn ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.