Cây xóa nghèo ở Sơn La
Cây sơn tra (táo mèo) ở tỉnh Sơn La trước đây là cây hoang dại, mọc rải rác ở các huyện vùng cao Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên. Nhưng những năm gần đây, sơn tra đã được bà con dân tộc Mông ở Sơn La trồng, chăm sóc để biến thành “cây hàng hóa”.
Những ngày cuối năm này, khi sơn tra đã đi vào cuối vụ, nhưng không khí ở nhiều bản vùng cao ở Bắc Yên vẫn hối hả. Gia đình ông Mùa A Sự, ở bản Háng Chơ, xã Xím Vàng bận rộn trên nương cho những chuyến xe cuối cùng. Gia đình ông Sự canh tác sơn tra với diện tích tương đối lớn, tổng số hơn 10ha sơn tra. 5 năm trở lại đây là cây bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Sự chia sẻ: “Trước đây cuộc sống gia đình chỉ làm nương làm rẫy, may mắn lắm mới đủ thóc ăn chứ đừng nói đến làm giàu. Sau đó được các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn trồng cây ăn quả, trồng sơn tra nên gia đình tôi cũng mạnh dạn thử”. Do phù hợp với điều kiện, cây sơn tra sinh trưởng nhanh, sau 5 năm đã ra lứa quả đầu tiên. Đến nay, gia đình ông Sự thu hoạch ổn định mỗi vụ khoảng 10 tấn. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông khấm khá lên trông thấy.
Ông Giàng A Nênh - Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên cho biết: Xím Vàng có độ cao hơn 1.600m so với mặt nước biển, cây trồng chủ yếu là lúa và cây sơn tra. Những năm gần đây, trồng sơn tra đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tính trên toàn địa bàn huyện Bắc Yên có gần 2.600ha diện tích sơn tra. Trong đó, có khoảng 1.530ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm, tập trung tại các xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng... Những năm qua, huyện Bắc Yên đã triển khai nhiều giải pháp phát triển cây sơn tra theo hướng hiệu quả, bền vững phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thành vùng nguyên liệu tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm sơn tra nguyên liệu.
Mường La cũng là địa bàn có diện tích sơn tra lớn. Trong đó, riêng xã Ngọc Chiến đã có diện tích trồng lên tới 2.260ha, sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/năm. Ông Kháng A Câu - Bí thư chi bộ bản Nậm Nghiệp (xã Ngọc Chiến) cho biết: “Nậm Nghiệp là một trong những bản có diện tích trồng sơn tra lớn. Đây là cây trồng đã mang lại thu nhập chính cho toàn bộ các gia đình đồng bào Mông suốt những năm qua. Như gia đình tôi, với 3ha cũng thu về 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng”.
Nhiều hộ dân ở Nậm Nghiệp nay đã có thể làm giàu. Liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021, dịch bệnh khiến việc vận chuyển tiêu thụ cây sơn tra bị đình trệ. Nhiều gia đình phải chứng kiến cảnh sơn tra rụng đầy mà không tiêu thụ, hoặc chế biến hết được. Nhưng năm nay sức tiêu thụ tốt, sản lượng toàn tỉnh ít nhất đạt hơn 33 nghìn tấn.
Bà Trịnh Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên thông tin: Trên địa bàn huyện, ngoài các công ty, hợp tác xã thu mua, chế biến thì huyện đang kết nối với một công ty tại Hà Nội ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 1.200 tấn để chế biến bột sơn tra, giấm, mứt từ quả sơn tra và dùng để chế biến dược phẩm. Đây chính là hướng đi mới, bảo đảm khả năng tiêu thụ, giúp bà con có thể thoát nghèo bền vững.
Để tăng giá trị cho cây sơn tra, các sở, ngành của Sơn La đã phối hợp làm hồ sơ, đề xuất công nhận nhãn hiệu tập thể. Đến tháng 9/2018, táo sơn tra Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”. Công ty TNHH Bắc Sơn, HTX Sơn tra Nậm Lộng, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp sơn tra Bắc Yên được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”. Điều này giúp cho việc tiêu thụ, nhất là kết hợp với các doanh nghiệp lớn chuyên chế biến nông sản, thuốc đông y thuận tiện hơn.