Kiểm tra chuyên ngành của hải quan giảm 15%
Ngày 7/12, tại hội thảo Cải cách hải quan và triển vọng thương mại Việt Nam diễn ra tại TPHCM, ông Claudio Dordi – Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho biết, tính đến đầu năm 2020, số lượng hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành đã giảm 12.600 (15%).
Theo ông Claudio Dorrdi, cam kết cải cách của Chính phủ Việt Nam được minh chứng bằng các kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đang trên đà thực hiện các cam kết trong hiệp định của WTO trước thời hạn, dự kiến sẽ tuân thủ đầy đủ vào cuối năm 2024.
Đề cập đến cải cách thủ tục hải quan, ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, hải quan Việt Nam ngày càng cải cách, đổi mới, áp dụng các hình thức quản lý mới với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Song song đó, hải quan còn thực hiện những nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn gian lận thương mại ngày càng tinh vi trong khi các nguồn lực đảm bảo cho thực thi nhiệm vụ có hạn. Tiếp tục nâng cấp hệ thống thông quan, giảm thời gian, bớt phiền hà cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, các năm gần đây, triển vọng thương mại Việt Nam có sự tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất nhập khẩu.
Theo thống kê, năm 2020, năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Trong 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 (668,5 tỷ USD).
Việt Nam đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm, tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030. Đây là những con số thể hiện xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại mạnh mẽ và quan hệ giao lưu kinh tế giữa các nước ngày càng phát triển.