8 học sinh tiểu học nhập viện cấp cứu do hút phải thuốc lá điện tử
Trong số 8 em học sinh đến bệnh viện khám có 1 em hút thử, 4 em nói cho thuốc lá vào miệng ngậm. 3 em còn lại khi đến bác sĩ kiểm tra thì không còn dấu hiệu như các em nói ban đầu.
Theo Báo Sức khỏe đời sống, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt xác nhận, ngày 5/12, 1 học sinh lớp 3A2 nhặt được thuốc lá điện tử và mang đến lớp. Sau khi ăn bán trú, trong lúc nghỉ giải lao chuẩn bị đi ngủ trưa, một số học sinh cùng lớp tò mò dùng thử hoặc hít phải khói thuốc nên có dấu hiệu buồn nôn.
Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã đưa các em xuống phòng y tế kiểm tra đồng thời mời phụ huynh cùng lãnh đạo trường đưa các bé dùng thử và hít phải khói thuốc đến bệnh viện kiểm tra. Trong số 8 em học sinh đến bệnh viện khám có 1 em hút thử, 4 em nói cho thuốc lá vào miệng ngậm. 3 em còn lại khi đến bác sĩ kiểm tra thì không còn dấu hiệu như các em nói ban đầu.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt cho biết thêm, qua sự việc này, nhà trường đã rút kinh nghiệm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử tới tất cả học sinh và phụ huynh, đồng thời đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường kiểm soát chặt chẽ những vật dụng khi học sinh mang đến trường và sử dụng.
Trước đó, đã có nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử bị ngộ độc, theo thông tin từ 24h, ngày 22/8, đại diện Trường THPT Yên Hưng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, 7 học sinh (5 nam, 2 nữ) của trường đã được đưa tới Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên sau khi có các biểu hiện chóng mặt, buồn nôn.
Cụ thể, vào khoảng 7h cùng ngày, một học sinh có biểu hiện buồn nôn, chóng mặt và được đưa xuống phòng y tế trường. Sau đó, sáu em khác cũng biểu hiện tương tự và được trường bố trí xe đưa đến Trung tâm y tế thị xã Quảng Yên. Các em này cho biết đã sử dụng thử thuốc lá điện tử của một bạn tên L. mang đến. Lần đầu sử dụng và chưa ăn sáng nên các em bị chóng mặt, buồn nôn. Em L. sau đó cũng thừa nhận mang thuốc lá điện tử đến lớp và rủ các bạn sử dụng.
Theo Pháp luật, tháng 7/2022, BV Bạch Mai cũng vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan… Nguyên nhân được xác định do ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
5 năm trở lại đây, tỉ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp nhiều lần. Hầu hết thanh thiếu niên chưa nhận thức được tác hại của nicotine có trong những sản phẩm này.
BS Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), cho biết thuốc lá điện tử ban đầu được phát minh như một giải pháp thay thế cho những người hút thuốc lá truyền thống vốn rất độc hại.
Tuy nhiên việc tiếp thị và quảng cáo của người bán thường khiến thanh niên lầm tưởng rằng hút thuốc lá điện tử an toàn và không gây nghiện, nhưng thực chất thiết bị vape được thiết kế để người dùng hít vào phổi một lượng nicotine lớn hơn và nhanh hơn.
Theo BS Oanh, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc khói thuốc lá điện tử có thể gây ra nguy hại về sức khỏe với những người hít phải. Tuy nhiên, việc nó có ảnh hưởng tới người xung quanh là có thể, nhất là với người mắc các bệnh hô hấp hoặc nhạy cảm với mùi sẽ cảm thấy khó chịu khi hít phải.
Thuốc lá điện tử theo quy định của pháp luật cũng là sản phẩm thuốc lá, do đó không bị cấm nhưng cần được quản lý theo các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hiện nay trên thị trường việc mua bán các lọ tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử rất phổ biến, sản phẩm hầu như không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không tuân thủ các quy định về nhãn mác và thông tin cảnh báo.
“Chúng tôi khuyến nghị các cơ quan quản lý thị trường quản lý chặt sản phẩm này theo đúng các quy định như đối với sản phẩm thuốc lá, kiểm soát nguồn gốc, nhãn mác, các đơn vị được phép mua bán và đối tượng được mua thuốc lá điện tử. Tất cả sản phẩm chứa nicotine cần được dán nhãn cảnh báo gây nghiện trên bao bì và cần có các biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên trước tác hại của thuốc lá” – BS Oanh nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thế hệ mới đều độc hại đối với sức khỏe và cho đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới. Sự "mới lạ" của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo: không gây hại, "văn hóa hút thuốc lành mạnh", sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của "tuổi mới lớn" và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp phòng ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ở những người chưa hút, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khoẻ, nhiều hóa chất tương tự như thuốc lá truyền thống, nhiều hóa chất khác với thuốc lá truyền thống.
Chất nicotine trong các sản phẩm này là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng sẽ trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, đồng thời việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai (dẫn đến cân nặng sơ sinh thấp, tăng nguy cơ đẻ non và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh). Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.
Nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, sô cô la, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và đây là con đường dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác bao gồm cả hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu bia, ma tuý,…
Việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi không hồi phục.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.