Vì sao ‘địa chấn’ liên tục xuất hiện tại World Cup 2022?

Hải Phong 07/12/2022 20:03

Morocco loại Tây Ban Nha trên chấm luân lưu, không để đối thủ thực hiện thành công quả 11m dù chỉ 1 lần. Đây là “cơn địa chấn” lớn nhất kể từ ngày khai màn World Cup 2022, sau một loạt “dư chấn” đáng chú ý khác.

Ngay trong lượt trận mở màn, Saudi Arabia đã khiến Messi và đồng đội choáng váng, với cuộc lội ngược dòng được mô tả là cú sốc lớn nhất lịch sử bóng đá Argentina. Những ngày tiếp theo, bất ngờ liên tiếp xảy ra khi các đội bóng “cửa dưới” lên tiếng: Morocco đánh bại đội bóng xếp thứ 2 trên BXH FIFA (Bỉ), Australia vượt qua Đan Mạch để giành quyền vào vòng 1/8.

Bỉ, Uruguay, Đức bị loại ngay từ vòng bảng dù được đánh giá cao trước giải.

Chưa hết, Nhật Bản xứng đáng là “người diệt khổng lồ” với hai trận thắng cùng kịch bản 2-1 trước hai nhà vô địch thế giới (Đức, Tây Ban Nha), tiễn “cỗ xe tăng” Đức về nước sớm. Một đại diện Đông Á khác, Hàn Quốc, giành 3 điểm trước Bồ Đào Nha ở trận cuối bảng H, qua đó loại luôn Uruguay. Ở bảng G, Cameroon giành chiến thắng 1-0 ở cuộc chạm trán ứng viên vô địch số 1 Brazil, dù không thể giành vé đi tiếp. Kịch bản tương tự xảy ra khi Pháp thua Tunisia 0-1.

Vì sao có nhiều kết quả gây sốc tại World Cup lần này?

World Cup 2022 là lần thứ tư trong lịch sử 92 năm giải đấu không có đội nào toàn thắng ở vòng bảng, và là lần đầu tiên từ năm 1994. Pháp, Bồ Đào Nha, Brazil đều có cơ hội lớn giành trọn 9 điểm sau 3 trận, nhưng họ đã phải tính toán, xoay tua đội hình để đảm bảo thể lực cho các trụ cột ở vòng 1/8.

Đây là lần đầu tiên World Cup được tổ chức ở Trung Đông, lại diễn ra giữa mùa giải của các CLB châu Âu. Hệ quả, ngôi sao của những đội tuyển hàng đầu chưa có đủ thời gian nghỉ ngơi cũng như gắn kết lối chơi.

“Đây là kỳ World Cup không bình thường. Theo truyền thống, chúng tôi có 5-6 tuần để chuẩn bị cho giải đấu, lần này chỉ có 5-6 ngày”, HLV tuyển Bỉ Roberto Martinez nói trên CNN.

Cầu thủ Xứ Wales được HLV thể lực xịt hơi nước làm mát trong trận đấu. Ảnh: CNN.

Không có thời gian nghỉ ngơi, chưa kịp thích ứng với khí hậu Trung Đông khiến nhiều ngôi sao chơi dưới phong độ, thậm chí dính chấn thương hàng loạt. Những siêu sao như Messi, Neymar, Di Maria… đã phải cày ải ở CLB suốt 4 tháng qua. Họ là nhân tố không thể thay thế trong đội hình ra sân, khác hẳn vai trò dự bị của hầu hết đồng nghiệp châu Á, châu Phi.

Dưới điều kiện thi đấu bị mài mòn về thể lực, những “ông lớn” ra sân với đội hình toàn cầu thủ lão tướng ngoài 30 tuổi như Đức, Argentina, Uruguay, Đan Mạch và đặc biệt là Bỉ không thể chơi thứ bóng đá đỉnh cao thường thấy. Kevin De Bruyne (Bỉ) đã phải thừa nhận, đội bóng của anh quá già để vô địch. Phát ngôn này làm dấy lên mâu thuẫn trong lòng “Quỷ đỏ”, khiến họ rệu rã, sớm rời giải đấu.

Ngoài Bỉ, tuyển Đức cũng là ví dụ điển hình thất bại do “dấu ấn” thời gian. Những ngôi sao như Thomas Muller, Manuel Neuer, Ilkay Gundoaan đều đã ngoài 30. Họ kết hợp với lứa trẻ triển vọng, nhưng thiếu kinh nghiệm là Jamal Musiala, Karim Adeyemi, Armel Bella-Kotchap và Youssoufa Moukoko, tạo nên một đội hình không đồng đều.

Bất ngờ cũng được xem là “DNA của World Cup”, khi các đội bóng từ khắp nơi trên thế giới mang đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh bản sắc, lối chơi riêng, phần nào làm nhiều tuyển thủ bỡ ngỡ. Trong lịch sử giải đấu, không thiếu những cú sốc: Mỹ đánh bại Anh năm 1950, Triều Tiên thắng Italy năm 1966, Algeria hạ gục Tây Đức năm 1982 hay Senegal hạ nhà đương kim vô địch Pháp năm 2002.

Morocco tạo ra "cơn địa chấn" lớn nhất World Cup tính đến thời điểm này khi hạ Tây Ban Nha ở vòng 1/8. Ảnh: Getty.

Các nền bóng đá bắt đầu tiệm cận trình độ châu Âu và Nam Mỹ

Ba trận thua của Bồ Đào Nha, Pháp và Brazil ở lượt cuối vòng bảng, lần lượt trước Hàn Quốc, Tunisia và Cameroon được xem là bất ngờ, nhưng chưa đến mức gây sốc. Trên thực tế, các ứng cử viên vô địch kể trên đều đã sớm giành vé đi tiếp, vì vậy họ xoay tua đội hình, thay đổi tới 9 vị trí trong đội hình ra sân chính thức. Thi đấu với đội hình dự bị, “giữ chân” tránh chấn thương, nên thất bại là điều có thể dự đoán. Ở chiều ngược lại, trận thua của Tây Ban Nha trước Morocco chỉ có thể giải thích do trình độ hai bên đã tiệm cận nhau.

HLV Roberto Martinez nhận định, World Cup chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là vòng bảng, hầu hết các đội bóng lớn chưa thi đấu đúng thực lực, đồng thời toan tính kết quả để chọn đối thủ, nhánh đấu ở vòng sau. Giai đoạn 2 là các trận loại trực tiếp. Đây mới là sân khấu World Cup thực sự. Vì vậy, có thể nói Morocco đã tạo ra “cơn địa chấn” lớn nhất đến thời điểm này của World Cup 2022.

Người Morocco ở khắp nơi tại châu Âu đổ ra đường mừng chiến thắng. Morocco có hàng triệu người nhập cư hoặc sinh ra tại Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Anh... Ảnh: Getty.

Giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu FIFA, cựu HLV Arsenal - Arsene Wenger nói, bóng đá thế giới ngày càng có tính cạnh tranh. Nhờ khoa học công nghệ và kinh tế phát triển, các quốc gia có thứ hạng không quá cao trên BXH FIFA vẫn sở hữu nhiều công cụ và cơ hội học hỏi bóng đá đỉnh cao. Hàng loạt học viện bóng đá nổi tiếng ở châu Âu, Nam Mỹ và Trung Đông trở thành cái nôi phát triển tài năng mang tính toàn cầu, không phân biệt quốc tịch. Thành quả là vô số ngôi sao mới ở châu Á, châu Phi bước ra ánh sáng, thi đấu nổi bật ở lục địa già.

Các đội tuyển châu Âu và Nam Mỹ vẫn sản sinh ra phần lớn những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nhưng đã qua rồi cái thời họ dễ dàng giành chiến thắng trước đại diện châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ.

Ở Qatar năm nay, rất khó để người hâm mộ chứng kiến một nhà vô địch World Cup mới, không thuộc khu vực châu Âu hoặc Nam Mỹ. Nhưng trong tương lai gần, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra?

Hải Phong