Bản Nậm Sin không còn tảo hôn
Bản Nậm Sin là một trong những điểm nóng xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhưng từ sự chung tay vào cuộc vận động, tuyên truyền... của các cấp chính quyền huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, người dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn.
Bản Nậm Sin, xã Chung Chải nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé (Điện Biên) gần 40km. Đây là nơi cư trú duy nhất của 53 hộ, với 223 nhân khẩu đồng bào dân tộc Si La trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Do cư trú tại địa bàn khó khăn về giao thông, trình độ sản xuất lạc hậu nên đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, người Si La ở Nậm Sin sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, kinh tế mang tính tự cung tự cấp với phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dân bản quanh năm. Một thời gian dài, tỷ lệ hộ nghèo của bản luôn là con số 100%, thu nhập bình quân người Si La ở bản Nậm Sin chưa đến 100.000 đồng/người/tháng. Trình độ dân trí người dân nơi đây còn hạn chế nên vẫn còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Trước đây người dân cho rằng con cháu thích nhau, không có trâu, bò, lợn, tiền nhiều để làm đám cưới thì mua mấy đồng bạc trắng về làm cái lý theo phong tục rồi cho chúng về ở với nhau, cho nên vợ, nên chồng. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi kéo nhau về sống chung rồi sinh con. Đây cũng là nguyên nhân của đói nghèo cứ đeo bám các bản làng triền miên năm này qua năm khác.
Điển hình như em Mùa Thị Bay sinh năm 2002, dân tộc Mông ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, năm nay mới tròn 19 tuổi mà đã lấy chồng được 3 năm nay; con trai đầu lòng chưa đầy 2 tuổi thì em đã mang thai đứa con thứ hai được 6 tháng. Năm 2018, khi Bay vừa 16 tuổi, cái tuổi lẽ ra đang cắp sách đến trường thì em lại nghỉ học đi lấy chồng. Chồng Bay sinh năm 2001, là người Si La, ở cùng bản và học cùng trường với em. Cả hai đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Hai vợ chồng Bay chỉ ở nhà làm ruộng, trồng ngô nên cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, các cấp chính quyền xã Chung Chải và huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ năng nuôi dạy con cái, phòng chống suy dinh dưỡng; các quy định của Nhà nước liên quan đến việc tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống... để nâng cao nhận thức cho bà con Si La trong bản.
Đặc biệt từ sự đầu tư của Nhà nước, Bản Nậm Sin đã có đường bê tông đến tận bản, thuận tiện cho người dân làm ăn, phát triển kinh tế. Người dân trong bản có điện thắp sáng, có máy xát lúa gạo thay giã gạo thủ công, được xem tivi để nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đời sống của bà con đã thay đổi rất nhiều, không còn khổ như trước đây nữa, trìn độ hiểu biết của người dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn về năng lực sản xuất, tiếp thu khoa học - kỹ thuật và chăm sóc sức khỏe. Con em trong bản được đến trường học hành đầy đủ. Nhiều tập tục lạc hậu đã được xóa bỏ.
Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin cho biết: Trước đây, các cháu bỏ học sớm rồi lập gia đình không kể tuổi tác. Có những trường hợp bị gia đình ngăn cấm, các cháu còn uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Nhờ được các cấp chính quyền tuyên truyền vận động, người dân dần hiểu rõ và nhận thức được kết hôn sớm không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn mang đến nhiều hệ lụy, nên tình trạng tảo hôn đã giảm rõ rệt.
Em Mùa Thị Bay chia sẻ: Nhờ được các ngành các cấp tuyên truyền vận động, nên em đã nhận thức được hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các bà mẹ, cũng là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình, đói nghèo gia tăng, là gánh nặng cho xã hội. Chính vì vậy, em sẽ tuyên truyền cho bà con và các bạn bè của mình không lấy chồng sớm như em và không kết hôn nhận cận huyết thống nữa để con cái sinh ra được khoẻ mạnh và đỡ nghèo khổ.
Bà Pờ Lỳ Pa, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải cho biết: Để đẩy lùi được hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, tập trung cả hệ thống chính trị thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình đến từng hộ dân. Cán bộ chuyên trách xã cùng Ban tự quản buôn bám sát đời sống người dân để kịp thời tuyên truyền, vận động người dân cương quyết xóa bỏ các tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, thách cưới... Cán bộ xã còn đến từng nhà phân tích để người dân hiểu về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giải thích để bà con hiểu kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật.
“Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở bản Nậm Sin đã không còn diễn ra như trước nữa. Trong năm 2022, cả bản Nậm Sin không có cặp vợ chồng nào tảo hôn và kết hôn cận huyết thống” bà Pờ Lỳ Pa cho biết.
Cũng theo bà Pa, thời gian tới, xã Chung Chải tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành tổ chức tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho độ ngũ cán bộ, công chức tại địa phương; nâng cao vai trò, trách nhiệm của trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống, vận động để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống của người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn xã.