Hà Nội: Mục sở thị loạt biệt phủ, chung cư mini sai phép 'nở rộ' tại huyện Thạch Thất

Quang Thành - Đinh Hưởng 08/12/2022 15:57

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) nở rộ tình trạng xây dựng các công trình lớn, biệt phủ, chung cư mini,... sai phép, tạo ra sự hỗn loạn về trật tự xây dựng; tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ.

Nhiều công trình có dấu hiệu vượt diện tích đất ở, lấn đất rừng sản xuất như tại khu Thung Mây (thuộc thôn 7, xã Tiến Xuân). Cụ thể, ven đường Bãi Dài thuộc xã Tiến Xuân hầu hết là đất rừng sản xuất, mỗi thừa đất chỉ có từ 100 - 300m2 đất ở. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã bạt rừng, hạ cốt để thi công công trình có diện tích mặt bằng lên tới vài trăm, thậm chí cả nghìn mét vuông.
Trên địa bàn xã Tiến Xuân, một công trình quy mô "khủng" của người dân được xây dựng giống như những ngôi chùa.
Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ người sở hữu, mảnh đất trên có diện tích 15.063 m2, trong đó đất ở 300 m2. Thế nhưng thực tế, những công trình mà hộ dân đang thi công đều vượt quá diện tích đất ở.
Tại khu 101ha, xã Thạch Hòa, “ăn theo” kế hoạch đưa sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội lên Hoà Lạc và Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc, nhiều người dân sống tại khu vực này đã xây dựng khách sạn, căn hộ cao cấp, chung cư mini với mục đích kinh doanh thương mại. Trên địa bàn xã có đến 171 chung cư mi ni, trong đó có 107 cơ sở thuộc phụ lục 3, Công an huyện quản lý và 64 cơ sở thuộc phụ lục 4, do chính quyền xã quản lý Nhà nước về PCCC.
Đáng chú ý, nhiều khách sạn, chung cư mini, dãy trọ nằm trong phần diện tích đã được quy hoạch hành lang cây xanh đại lộ Thăng Long và quốc lộ 21A gắn với khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Việc các khu chung cư mi ni xây dựng trái phép khiến cho công tác quản lý Nhà nước về Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn trên địa bàn huyện Thạch Thất gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ cháy, nổ.
Trước thực trạng này, đầu tháng 12/2022, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã ký Quyết định 9242/QĐ-UBND thành lập Đoàn thanh tra trách nhiệm đối với UBND các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Thạch Hòa, Bình Yên, Tân Xã trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản (từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/11/2022).
Nhiệm vụ của Đoàn thanh tra liên ngành là thanh tra, xem xét trách nhiệm của UBND các địa phương nói trên trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, khoáng sản; báo cáo đề xuất UBND huyện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, việc quản lý đất đai tại địa phương vẫn có rất nhiều những kẽ hở để người dân lợi dụng lấn chiếm. Đến khi chính quyền vào cuộc thì thành sự việc đã rồi, đất đai đã bị "biến dạng", phá vỡ quy hoạch.

Theo quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên đất, việc xử phạt các hành vi này được quy định như sau:

Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định tuỳ vào diện tích lấn chiếm mà hành vi lấn, chiếm đất có mức phạt như sau:

Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì phạt tiền lên đến 120.000.000 đồng. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thì phạt tiền lên đến 150.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, hành vi xây dựng khách sạn, chung cư mini, dãy trọ để cho thuê trong phần diện tích đã được quy hoạch hành lang cây xanh sẽ bị xử lý theo Khoản 3 Điều 53 Nghị định 139/2017/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và buộc khôi phục tình trạng ban đầu đối với một trong các hành vi, trong đó có lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định.

Pháp luật đã quy định khá rõ ràng, cụ thể về việc xử lý các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Các biện pháp mạnh hơn như cưỡng chế thu hồi, tháo dỡ, trả lại hiện trạng đất… là rất khó vì liên quan chồng chéo đến nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau.

Theo Luật sư Hùng, rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, quyết liệt xử lý triệt để các sai phạm tồn tại, chấm dứt các sai phạm phát sinh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm.

Quang Thành - Đinh Hưởng