Bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết
Tết Nguyên đán năm nay, thời gian nghỉ khá dài. Dự báo, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ và sức mua trên thị trường sẽ tăng. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm, các địa phương đang tăng tốc sản xuất, có kế hoạch dự trữ hàng hóa để kịp thời cung ứng ra thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm.
Nguồn cung dồi dào
Theo Bộ Công thương, thị trường trong nước đã có sự phục hồi đáng kể sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi.
Còn theo Sở Công thương Hà Nội, để chuẩn bị Tết, ước tính tổng giá trị hàng hóa trên địa bàn đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với Tết năm trước. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm, Sở đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao.
Thông tin về khả năng cung ứng nông sản Tết của tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Tâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, Sở đã phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn xây dựng kế hoạch bình ổn giá. Nguồn cung thịt lợn, thịt gà dồi dào.
Còn tại Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đáp ứng như cầu về các nhu yếu phẩm, tỉnh đang chuẩn bị tổ chức phiên chợ Tết Công đoàn 2023, dự kiến vào ngày 13/1 với 120 gian hàng, trong đó, có 40 gian hàng là các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng triển khai nhiều hoạt động bình ổn giá do Sở Công thương phối hợp với các đơn vị chức năng và DN.
Ở góc độ DN, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vissan Nguyễn Phúc Khoa thông tin, sản lượng DN cung cấp ra thị trường 2.050 tấn thực phẩm tươi sống; 4.150 tấn thực phẩm chế biến, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa cho cao điểm Tết đạt trên 710 tỷ đồng.
Tương tự, bà Phạm Thị Huân - đại diện Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, dịp Tết năm nay, công ty đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa bằng nhiều hình thức. Đồng thời, cũng cam kết sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Vẫn lo thị trường tiêu thụ
Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan trực thuộc bộ, ngành, chủ động phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động thị trường, nhất là nguồn cung và giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước (thịt lợn, gạo...); các mặt hàng đang có biến động về giá (cá tra, thịt gia cầm...) đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết.
Phản ánh từ các HTX và DN, nguồn cung nông sản không phải là vấn đề lo ngại mà nỗi lo lớn nhất là tìm thị trường tiêu thụ.
Bà Trịnh Kim Thư - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queens, cho hay DN này đang có những vướng mắc khi các siêu thị lớn yêu cầu phải có kinh nghiệm và đã đưa vào các siêu thị lớn, yêu cầu bán ký gửi, trong khi các DN sản xuất sản phẩm OCOP hiện nay phần lớn có quy mô nhỏ, do đó yêu cầu về vốn để bán ký gửi cũng sẽ gây khó khăn.
“Ngành chức năng cần tổ chức thêm nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các lớp tập huấn bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 để tạo thuận lợi cho DN và bà con nông dân; ưu tiên đưa sản phẩm OCOP vào danh mục quà tết” - bà Thư đề xuất.
Trong khi đó, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, để đảm bảo nguồn cung được thông suốt các địa phương cần mở các hội chợ để giới thiệu sản phẩm; mở các cửa hàng bán trái cây có kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các tuyến đường, các chợ truyền thống vừa tạo không khí Tết, vừa là giải pháp tiêu thụ rau, củ, quả cho bà con; kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022 ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại cho người chăn nuôi thấp. Trong quý IV, giá lợn hơi xuống rất thấp, hiện giá xuất chuồng tại các địa phương ở miền Nam chỉ dao động từ 48.000 - 53.000 đồng/kg. Trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang neo ở mức rất cao, khiến người chăn nuôi lợn lại đang thua lỗ. Để người chăn nuôi không “mất mùa Tết” cần có các biện pháp cần thiết, cũng như có sự phối hợp với Bộ Công thương để đưa giá lợn hơi về mức phù hợp với thị trường, đảm lợi ích cân đối giữa các bên. Dịp Tết Nguyên đán ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các đô thị lớn có nhu cầu cao về thực phẩm song vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 40% nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, để cung ứng được cho nhu cầu lớn, các địa phương vẫn phải vận chuyển nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh. Vì vậy, cần có giải pháp cắt ngắn chuỗi thương mại thực phẩm và giảm chi phí trong khâu vận chuyển giữa các địa phương, tăng cường liên kết thu mua trực tiếp gia súc, gia cầm xuất chuồng của nông dân với giá hợp lý.