Không thể vòng vo đầu tư công
Đã gần qua tuần thứ nhất của tháng cuối năm, nhưng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn còn là vấn đề. Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%).
Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, tới hết tháng 11, vẫn còn 27 bộ và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Đáng chú ý, sau 11 tháng trong số vốn chưa phân bổ thì vốn trong nước chưa phân bổ là 24.160 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 264 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư công là nguồn vốn đầu tư phát triển, cực kỳ quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã rất nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí phê bình những nơi giải ngân chậm.
Và cũng thật đáng tiếc trong bối cảnh doanh nghiệp khát vốn như hiện nay thì nguồn lực tài chính rất mạnh từ đầu tư công lại “đắp chiếu”.
Ngày 26/9, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc chậm giải ngân vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan là chính. Tính đến thời điểm đó cũng là cuộc họp thứ 3 của Chính phủ về vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, cắt giảm ngay các thủ tục; các bộ, ngành, địa phương phải hạn chế việc dàn trải, manh mún; làm việc nào dứt điểm việc đó. Cơ quan, đơn vị bên dưới trong quá trình triển khai nếu thấy vướng ở điểm nào phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp trên, hạn chế "văn bản vòng vo".
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần coi công tác này là công việc ưu tiên, dành thời gian lãnh đạo, tổ chức thực hiện, với tinh thần "làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ”. Thủ tướng cũng đã lập 6 tổ công tác để thúc đầu tư công.
Trước đó, ngày 28/5, phát biểu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phải thốt lên “Lạ quá!” khi đầu tư công có tiền mà vẫn không tiêu được, trong khi những vướng mắc về thể chế đã được tháo gỡ một bước. Tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 1/2022, một loạt các sửa đổi, bổ sung cho Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... đã được thông qua. Đã phân cấp, phân quyền khá mạnh cho các chủ thể ở cấp Trung ương cũng như ở cấp địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, cũng như các dự án hợp tác công tư.
Tới ngày 11/11/2022, thông qua dự thảo nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, Quốc hội nhấn mạnh: "Đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá nhân hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Quyết liệt như vậy nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn bất cập. Vậy, nguyên nhân chính là gì và làm gì để tháo gỡ?
Một số ý kiến cho rằng “thủ tục lòng vòng” là nguyên nhân đầu tiên, khi mà vẫn còn tình trạng “làm khó làm dễ” cho dù thủ tục đã được đơn giản hóa. Cùng đó, có tình trạng “vẽ” ra kế hoạch, “vẽ” dự án nhưng lại không gắn nhu cầu thực tiễn. Vì thế, khi được phân bổ vốn, triển khai thực hiện dự án mới phát sinh bất cập, vướng mắc không gỡ được.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng hơn dẫn tới việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chính là lối tư duy nhiệm kỳ, sợ trách nhiệm - thà rủi ro còn hơn là bị kỷ luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, dẫn đến “né” việc. Từ đó, ông Dũng cho rằng phải chọn được người có năng lực, trình độ, chuyên môn, đủ bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thì họ mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Không đủ bản lĩnh, sợ trách nhiệm thì đó không phải là người lãnh đạo” - ông Dũng nói. Chưa làm đã sợ kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm… thì làm sao dám đưa những khoản tiền rất lớn vào cuộc sống.
Năm 2022 sắp qua, những điểm nghẽn, những nguyên nhân dẫn tới ách tắc dòng vốn đầu tư công đã được chỉ rõ. Vốn đầu tư công năm 2022 đã lớn, năm 2023 còn lớn hơn. Do vậy, áp lực giải ngân, đặc biệt là phần vốn cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội lại càng lớn. Nếu không thực sự rút kinh nghiệm của năm 2022 thì nỗi lo ùn ứ vốn đầu tư công sẽ vẫn còn đó. Mà điều đó thật khó chấp nhận. Quan trọng nhất là phải cá nhân hóa trách nhiệm, không để “vòng vo” đổ lỗi cho tập thể, còn mình thì vô can.