Ứng phó với sạt lở núi
Ở những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, người dân và chính quyền địa phương lại lo lắng về tình trạng sạt lở núi. Để phòng, chống thiên tai cần phải làm gì?
Nỗi lo sạt lở
Tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, như huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang... cứ mỗi lần bão, lũ về là người dân nơm nớp lo sợ bị cô lập do sạt lở đất, nhiều nơi còn lo đất, đá sạt lở uy hiếp nhà cửa, tính mạng của người dân.
Nỗi lo trên hoàn toàn có cơ sở, vì đã từng xảy ra những vụ sạt lở đất kinh hoàng, như vụ sạt lở ở xã Trà Leng vùi lấp 15 ngôi nhà, có đến 55 người chết, bị thương và mất tích, lực lượng chức năng đã cứu sống 33 người, đến nay vẫn còn 12 người mất tích. Không chỉ ở Trà Leng mà tại xã Trà Vân (Nam Trà My) đã từng xảy ra vụ sạt lở đất ở thôn 1 và thôn 2 vùi lấp 5 ngôi nhà, khiến 5 người tử vong, 13 người bị thương. Nhiều nơi khác cũng đã từng xảy ra sạt lở đất gây chết người, vùi lấp nhà cửa.
Hay như tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, mỗi khi vào mùa mưa, nước từ các khe núi chảy mạnh xuống đường như những con suối. Đặc biệt người dân lo ngại toàn bộ dãy núi chạy dọc trung tâm xã liên tục sạt lở đất, tràn xuống khu dân cư khiến ai nấy đều hoảng sợ khi tính mạng và tài sản của mình bị đe dọa.
Ông Đoàn Quốc Ngữ - người dân xã Trà Mai cho biết: “Cứ vào mùa mưa thì khu vực này sạt lở đất đá từ trên triền núi tràn xuống nhà dân, cả một khu vực đồi núi sạt lở đất đá rất nguy hiểm. Nhà phía sau dựa vào núi, phía trước là sông, vừa lo sạt lở núi, vừa lo nước lũ dâng cao”.
Ông Lê Thanh Vinh - xã Trà Mai chia sẻ, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng khó lường, bản thân ông cũng như người dân miền núi Nam Trà My rất lo sợ. 300 hộ dân sống ngay tại trung tâm huyện vẫn đứng trước nguy cơ mất nhà bởi sạt lở núi.
Nói về vấn đề trên, ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Mấy năm qua, chính quyền địa phương gặp khó khăn khi liên tục ứng phó với các đợt sạt lở lớn, nhỏ. Nguy cơ sạt lở là rất lớn kể cả tại trung tâm huyện. Sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ suối... phải cần nguồn kinh phí lớn để để xây dựng những công trình vừa phòng, chống bão, lũ vừa phòng, chống sạt lở”.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ cao, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don,... Còn huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm, tập trung tại thị trấn Trà My; xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác; Huyện Phước Sơn có khoảng 13 điểm nguy cơ cao, tập trung tại Thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, xã Phước Thành, Phước Xuân,… huyện Tây Giang có một số điểm nguy cơ cao tập trung tại các Xã A Tiêng, A Vương, Ch’ơm, Lăng, Dang, Bha Lêê.
Làm gì để an dân?
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hàng năm vào mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm để cung ứng cho bà con phòng trường hợp mưa lớn chia cắt hoặc lại cô lập nhiều ngày. Ngoài ra, các ngành chức năng chủ động sơ tán khoảng hơn 5.000 hộ dân trên địa bàn huyện ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Như để phòng tránh sạt lở khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, các ngành chức năng đã xây dựng công trình kè bảo vệ khu dân cư này, với thiết kế xây dựng mới 4 đoạn tuyến kè trên sông Leng, có tổng chiều dài 978m, tổng kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Trước tình hình sạt lở núi, Viện Khoa học và Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên cho rằng, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, hiện nay chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra là không thể. Do đó với giải pháp trước mắt, địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và theo dõi dự báo mưa của Đài khí tượng thủy văn để di dời người dân đến nơi an toàn.
Đối với người dân, cần chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: Nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu,... phải báo ngay với chính quyền địa phương và thực hiện theo hướng dẫn.
Về giải pháp lâu dài, Viện Khoa học và Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên cho rằng, xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện tỷ lệ 1/5000, cấp xã tỷ lệ 1/1000 - 1/2000 và phổ biến tới chính quyền cấp xã, thôn và người dân biết. Hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung-Tây Nguyên đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn với tỷ lệ 1/50000 và toàn tỉnh 1/100000.
Cùng với đó, cần tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng, chống thiên tai (PCTT) nói chung và sạt lở đất nói riêng. Đặc biệt phải đưa các kiến thức về PCTT vào chương trình giáo dục phổ thông. Rà soát, quy hoạch bố trí lại dân cư, cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là đường giao thông, cống thoát nước phải đủ khẩu độ thoát được lũ lớn,... an toàn trước thiên tai. Cần xây dựng những khu nhà PCTT có kết cấu đảm bảo, để người dân có thể tránh trú trong những thời điểm mưa bão, có nguy cơ sạt lở đất.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao. Tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác hơn. Cần rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm phủ rừng nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét. Bởi vì rừng có vai trò hết sức quan trọng trong điều hòa dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm cũng như ổn định của các mái dốc sườn đồi.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát địa chất bài bản để quy hoạch và xây dựng các công trình phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt trượt gây ra.
Còn theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, huyện đang lên phương án xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp với nhà trú tránh bão, lũ để giúp người dân địa phương có điểm sinh hoạt văn hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống và là nơi trú tránh an toàn khi thiên tai bão, lũ xảy ra.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Trên cơ sở phương án chung của tỉnh thì các địa phương, nhất là khu vực miền núi chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với địa phương mình. Trong điều kiện các tuyến giao thông chưa khắc phục kịp thì phải có phương án dự trữ lương thực, bố trí sẵn lực lượng tại chỗ để khi có tình huống thiên tai phức tạp thì vẫn đủ để người dân vượt qua.