Hàng giả tung hoành trên chợ mạng
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều và tinh vi trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí ngay trên những sàn thương mại uy tín, khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận. Hoạt động này dự báo sẽ diễn biến phức tạp trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Càng về cuối năm, hoạt động kinh doanh, buôn bán trên thị trường nói chung và các sàn thương mại điện tử nói riêng càng trở nên nhộn nhịp. Đáng lo ngại, không chỉ hoành hành trên thị trường truyền thống, tình trạng hàng giả, hàng nhái còn xâm nhập mạnh vào thị trường mạng, đặc biệt là dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm gia tăng.
Lạc vào ma trận
Chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm "túi xách" trên sàn thương mại nổi tiếng Shoppee, Tiki hay Lazada,.. sẽ cho ra hàng nghìn kết quả với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau. Sản phẩm nhái thương hiệu có rất nhiều mẫu mã và chất lượng khác nhau, thậm chí có những sản phẩm được làm với mẫu mã, kiểu dáng không khác gì hàng chính hãng.
Có không ít sản phẩm gắn mác các thương hiệu lớn như Gucci, Chanel... nhưng lại chỉ được bán với giá bán siêu rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng/sản phẩm. Khi khách hàng muốn tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này, hầu hết chỉ nhận được câu trả lời chung chung của người bán như "hàng Quảng Châu", "hàng hãng tuồn"... chứ không hề có bất kỳ giấy tờ liên quan.
Bên cạnh đó, thủ đoạn hoạt động của đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng khó nhận biết được hàng hóa thật - giả vì các đối tượng thường đưa hình ảnh và thông tin sản phẩm là thật nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái.
Hoạt động buôn lậu, hàng giả đã ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, thương hiệu, lợi ích của doanh nghiệp, gây thất thu thuế của nhà nước và xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Nhất là thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua nền tảng thương mại điện tử được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường điện tử diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo ông Linh, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước hiện nay trong việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý với hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài quản lý thị trường, còn có sự tham gia của nhiều cơ quan khác như thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ, công an, hải quan... Tuy nhiên, từng cơ quan lại có các văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền riêng. Do đó, việc thực hiện còn chồng chéo, thiếu thống nhất về cách thức xử lý. Đặc biệt, các văn bản này còn thường xuyên được cập nhật, thay đổi nên vẫn có “độ trễ” khi đưa ra quyết định xử phạt.
“Bên cạnh đó, quá trình phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý cũng gặp phải nhiều khó khăn. Với đặc điểm dựa trên hạ tầng công nghệ, các hoạt động thương mại điện tử dễ dàng ẩn hoặc xóa đi chứng cứ liên quan một cách nhanh chóng nên việc khôi phục, lập vi bằng,… rất mất thời gian. Bởi vậy, để hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý hiệu quả, việc hoàn thiện các quy định pháp lý là rất cần thiết” – ông Linh nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là rất khó khăn, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Điểm đặc biệt của thương mại điện tử là giúp quá trình mua sắm của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên bán và bên mua hầu như không tiếp xúc trực tiếp, cũng không cần phụ thuộc khoảng cách địa lý, phương thức thanh toán thì đơn giản và tiện lợi hơn. Lợi dụng điều này, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên tình trạng này càng diễn biến phức tạp.
“Bởi vậy, ngoài việc sớm hoàn thiện và bổ sung quy định, chế tài về mặt pháp lý, cần tăng cường việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử như: Công an, quản lý thị trường, hải quan...” - Luật sư Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thành Đồng - Phó Giám đốc Trung Tâm tư vấn Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu (PCCP), mặc dù, lực lượng tham gia công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ khá đông đảo và tích cực, song vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong phát hiện và xử lý. Ngoài hạn chế trong việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan, trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới.
Hiện mỗi sàn giao dịch TMĐT có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Về nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch TMĐT chủ yếu cho thuê gian hàng online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm. Trong khi, các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… cũng chỉ mới rà soát yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ nên các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái trên TMĐT có rất nhiều cách để lách chính sách và lẩn tránh sự truy vết của cơ quan chức năng.
Do đó, ông Đồng cho rằng, vấn đề cuối cùng là phải kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa được sản xuất làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu qua các cửa khẩu, hoặc nhập lậu theo đường tiểu ngạch…
“Để giải quyết hiệu quả vấn nạn này, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, thông tin và truyền thông cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm soát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu” - ông Đồng nhấn mạnh.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng đã ra quân kiểm tra, xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tính đến ngày 15/10, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ 13.720 vụ việc vi phạm. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng; số thu ngân sách Nhà nước đạt 265,8 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng tiến hành khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ…liên quan đến buôn bán vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả.
Luật sư Nguyễn Văn Đoàn - Hệ thống Luật sư X (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp
Pháp luật đã quy định rất rõ về xử phạt hành chính đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái. Theo nghị định số 98/2020/NĐ-CP, xử phạt từ 1 triệu đến 70 triệu đồng đối với hành vi bán hàng giả về giá trị công dụng. Phạt từ 1 triệu đến 50 triệu đồng với hành vi bán hàng giả về nhãn hàng bao bì. Phạt từ 300.000 đồng đến 30 triệu đồng với hành vi bán tem nhãn bao bì hàng giả.
Bên cạnh đó, đối với những hành vi đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt như sau: Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192, Bộ Luật Hình sự sẽ có thể bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Với tội bán hàng giả liên quan đến lương thực, thực phẩm, phụ gia theo điều 193 mức phạt từ 2 đến 5 năm và mức phạt cao nhất là tù chung thân. Với tội buôn bán hàng giả là thuốc theo điều 194 mức phạt từ 2 đến 7 năm và mức phạt cao nhất là tử hình.
Quy định là vậy, tuy nhiên với tốc độ phát triển đến chóng mặt của TMĐT cũng như mạng xã hội, chế tài xử lý vẫn tồn tại nhiều kẽ hở, không theo kịp thực tế. Do đó, đối với các cơ quan quản lý, cần sớm ban hành các quy định danh mục hàng hóa bắt buộc bảo hành, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có chế tài đủ mạnh đối với các DN vi phạm.
Đối với các DN, cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin trung thực về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; có trách nhiệm trong giao dịch với người tiêu dùng. Có các chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng nếu phát hiện gian lận thương mại, hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Đối với người tiêu dùng, cần hết sức tỉnh táo, thực sự là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm của DN có uy tín, nói không với hàng hóa vi phạm, đặc biệt là hàng hóa giả nhãn hiệu.
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng cần thể hiện vai trò của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Với vai trò chủ sàn TMĐT, các sàn cần yêu cầu người bán trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, cần thiết phải có các cơ chế chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ.
Hoàng Chiến (ghi)