Cảnh báo đỏ từ 'vay ngang hàng'

T.Hằng 08/12/2022 08:41

Dù được đánh giá là dịch vụ tài chính công nghệ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu vay vốn trong thời đại bùng nổ Internet, song ứng dụng cho vay ngang hàng P2P Lending được cảnh báo có nhiều rủi ro.

Ảnh minh họa.

Ra mắt năm 2019, Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247, có website vayonline247.vn, là công ty công nghệ tài chính kết nối người vay và người cho vay tại Việt Nam. Hiện tại, VO247 đã có 6.000 nhà đầu tư và gần 70.000 người vay, lãi suất lên đến 18%/năm.

Tuy nhiên mới đây, ứng dụng vay và cho vay online VO247 đã gửi thông báo tới nhà đầu tư về việc tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về.

Lý do mà công ty đưa ra là do tình hình tài chính trong nước và quốc tế hiện tại rất căng thẳng và lòng tin của nhà đầu tư bị mất nhiều do trái phiếu, cổ phiếu và nhiều kênh đầu tư khác dẫn đến tâm lý hiện tại là rút tiền về giữ an toàn. VO247 ở trong thị trường khủng hoảng nên cũng gặp biến động về dòng tiền. Dòng tiền đầu tư đang được cho vay vào đối tượng khách hàng là chủ doanh nghiệp có tài sản như nhà hoặc xe. Thời điểm này, khách hàng vay cũng gặp khó khăn và liên tục cần gia hạn các khoản vay. Điều này tạo nên tình trạng cầu vượt cung của nguồn tiền dự trữ của VO247.

Việc VO247 tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về giống như "đổ thêm dầu vào lửa". Dù tại thông báo, VO247 đưa ra các biện pháp để sớm có tiền thanh khoản cho nhà đầu tư nhưng các nhà đầu tư đều có chung mối lo về rủi ro mất tiền. Với tình trạng tài chính khó khăn như hiện nay, “vết dầu loang” có thể ảnh hưởng các ứng dụng P2P Lending khác.

Từ sự việc của VO247, nhiều nhà đầu tư băn khoăn về tính pháp lý của mô hình này. Trong khi đó, nhiều mô hình P2P Lending trên thị trường không hoạt động đúng nghĩa, mà có dấu hiệu lách luật để huy động vốn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, VO247 có 3 dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thứ nhất, vi phạm trần lãi suất. Thứ hai, nếu vượt quá vai trò môi giới và kết nối (không chỉ cho vay ngang hàng, mà còn huy động vốn), tức có dấu hiệu hoạt động ngân hàng không phép. Thứ ba, hoạt động cho vay chuyên nghiệp thì chỉ có thể là dịch vụ cầm đồ, mà dịch vụ cầm đồ thì không được phép cho vay tín chấp và thế chấp. Ông Đức cũng cho rằng nhiều công ty P2P Lending ở Việt Nam đang hoạt động giống như một tổ chức tín dụng, đứng ra huy động vốn để đầu tư.

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mô hình P2P Lending từng cho rằng, một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình kinh doanh chia sẻ P2P Lending để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (như rửa tiền, hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính theo kiểu kinh doanh đa cấp…), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lập Đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động P2P Lending của một số công ty tại TPHCM và Hà Nội. Kết quả cho thấy, một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty P2P Lending cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến. Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, Công ty P2P Lending chỉ là trung gian giữa tư vấn, môi giới, song cũng đóng vai trò na ná như ngân hàng. Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ điều kiện hoạt động và trách nhiệm các bên để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn.

Cho vay ngang hàng (tiếng Anh: Peer-to-peer Lending), viết tắt là P2P Lending hoặc là cho vay P2P. Thực chất, đây là mô hình cho vay ứng dụng nền tảng công nghệ số mà người đi vay và người cho vay có thể được liên kết trực tiếp với nhau để tiến hành giao dịch cho vay tiền, mà không cần phải thông qua một đơn vị tín dụng hay bất cứ tổ chức tài chính nào.

T.Hằng