Làm gì khi trẻ biếng ăn

Nghĩa Toàn 08/12/2022 08:43

Biếng ăn là một triệu chứng hay gặp ở trẻ em đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 6-36 tháng. Khi trẻ từ chối không ăn, bố mẹ hay người chăm sóc trẻ thường rất lo lắng, sợ trẻ không ăn hết suất sẽ không tăng cân, sức đề kháng kém… Tuy nhiên, nhiều trẻ do bị ép ăn trở nên biếng ăn nặng hơn và dẫn đến biếng ăn tâm lý ở trẻ.

Bác sĩ Hoàng Thị Hằng - Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia lý giải, trẻ biếng ăn nói chung sẽ không nạp đủ chất dinh dưỡng, thường bị thiếu các vi chất dinh dưỡng như thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, kẽm, protein… làm ảnh hưởng đến sức đề kháng, trẻ hay ốm vặt nên bị chậm tăng cân, suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng biếng ăn không được cải thiện sớm trẻ sẽ rơi vào vòng xoắn bệnh lý biếng ăn, nhiễm khuẩn và suy dinh dưỡng…

Dấu hiệu hay gặp nhất khi trẻ bị biếng ăn tâm lý là trẻ có biểu hiện lo lắng, sợ hãi và khó chịu khi chuẩn bị ăn hoặc không chịu vào ghế ngồi ăn. Nhiều trẻ khi nhìn thấy thức ăn đã buồn nôn, nôn khi ăn, lắc đầu không ăn, ngậm chặt miệng, ngậm thức ăn lâu trong miệng...

Bác sĩ Hằng phân tích, khi được 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu chuyển sang giai đoạn ăn bổ sung, đây là giai đoạn rất quan trọng để cha mẹ tập cho con thói quen ăn lành mạnh. Cha mẹ nên tập cho con ngay từ những ngày đầu ăn bổ sung để giúp con có khẩu vị ăn tốt, một số thói quen như ăn đúng giờ, khoảng cách giữa các bữa ăn từ 2-3 giờ. Nhiều người nghĩ rằng qua 6 tháng sữa mẹ ít chất, con uống chỉ để giải khát nên thường vẫn cho trẻ bú mẹ vặt theo nhu cầu của trẻ, vì thế thời gian bú mẹ và ăn cháo thường gần nhau làm cho trẻ chưa có cảm giác đói và từ chối ăn. Ăn đúng giờ còn giúp cho trẻ có khả năng tiết men tiêu hóa tốt, cảm thấy ngon miệng hơn.

Theo các chuyên gia y tế, dạy trẻ khả năng tự lập trong bữa ăn, để bé tự xúc ăn, làm quen với nhiều món ăn khác nhau để biết được món ăn nào trẻ yêu thích. Khi trẻ biếng ăn, nên ưu tiên những món yêu thích để trẻ dễ ăn hơn. Đối với trẻ lớn có thể cho tham gia nấu ăn, trang trí món ăn với những hình hấp dẫn để giúp trẻ cảm thấy thích thú với bữa ăn. Đặc biệt, không nên kéo dài thời gian ăn, bữa ăn của trẻ nên gói gọn trong 30 phút, không dọa hay ép trẻ ăn hết suất khi trẻ không muốn ăn nữa, nếu trẻ quen ăn ít mỗi bữa thì có thể tăng số bữa trong ngày để trẻ ăn đủ lượng cần thiết.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trẻ biếng ăn có nguy cơ thiếu các vi chất dinh dưỡng như thiếu kẽm, thiếu sắt, vitamin nhóm B... đặc biệt, hiện nay thiếu kẽm chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 60% ở trẻ dưới 5 tuổi. Kẽm là vi chất có vai trò quan trọng giúp cho trẻ có khẩu vị và sức đề kháng tốt. Giai đoạn trẻ biếng ăn cũng có thể bổ sung thêm các loại men enzym và men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tuy nhiên cha mẹ không nên tự bổ sung cho con mà cần được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Nếu trẻ biếng ăn không chỉ một, hai ngày mà có xu hướng kéo dài nên cho con đến khám tại các phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Nghĩa Toàn