Tham vấn tâm lý trong trường đại học: Tránh hình thức để sinh viên mở lòng
Dù phòng tham vấn tâm lý đã được thành lập trong một số trường đại học (ĐH) nhưng một khảo sát cho thấy, có tới 51% sinh viên không biết có phòng tham vấn tại trường.
Những con số biết nói
Thực trạng về bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam theo khảo sát quốc gia, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người (chiếm gần 63%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực. Tuy nhiên, lại chưa có số liệu thống kê về tỷ lệ và các hình thức bạo lực đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ trong các trường ĐH, để có thể so sánh với các trường ĐH các nước trong khu vực và trên thế giới.
PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hồng - Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cùng các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu, khảo sát trên sinh viên và giảng viên của 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên và Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Khảo sát thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6/2022, hình thức khảo sát online với gần 1.100 sinh viên và 350 giảng viên của 3 trường ĐH trên.
Kết quả khảo sát cho thấy, các hình thức quấy rối tình dục ở sinh viên và cán bộ, giáo viên là không phổ biến. Đây là một kết quả đáng mừng.
Khảo sát đưa ra những địa chỉ để hỗ trợ sinh viên, cán bộ giảng viên khi bị quấy rối tình dục như phòng tham vấn cho sinh viên, bảo vệ/ban quản lý ký túc xá, lãnh đạo khoa và trường, đường dây nóng của nhà trường… Đáng chú ý, có tới 51% sinh viên không biết có phòng tham vấn tại nhà trường. Các địa chỉ trợ giúp như ngôi nhà bình yên, ngôi nhà tạm lánh có tới 72,5% sinh viên không biết. Và tới 69% sinh viên không tìm sự trợ giúp khi bị bạo lực.
Từ những kết quả khảo sát này, bà Hồng cho rằng nếu sinh viên, người học không có nhận thức đúng đắn về các nguồn lực hỗ trợ thì khó để có thể có những hành động, tìm kiếm và nhận được sự trợ giúp. “Điều đầu tiên và có lẽ chúng ta cần phải rất lưu tâm trong các giai đoạn tiếp theo là làm sao để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và tạo ra được sự tin tưởng của các sinh viên, đặc biệt là các em có nguy cơ gặp phải những điều không mong muốn này. Tin tưởng nhà tham vấn, nhà trường và nhận thức đúng hơn về những điều các em có quyền, được phép chia sẻ và nhận được sự trợ giúp” - bà Hồng nói và cho rằng ở góc độ nào đó đang thiếu những dịch vụ hỗ trợ sinh viên khi bị bạo lực.
Khuyến nghị từ nhà trường
TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ban đầu sinh viên đến phòng tham vấn là để chia sẻ về những khó khăn trong học tập, cuộc sống, tình yêu,… Nhưng sau khi trao đổi hồi lâu, có những em lại đưa ra những băn khoăn về giới tính chưa biết chia sẻ với ai. Vì vậy, ông Hùng đánh giá phòng tham vấn tâm lý giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong các mối quan hệ hàng ngày. Đặc biệt với ngôi trường có tới 38 nghìn sinh viên như ĐH Bách Khoa thì vai trò của phòng tham vấn tâm lý là vô cùng quan trọng.
PGS. TS Nguyễn Thị Tố Quyên - Quyền Trưởng khoa Xã hội học và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sinh viên của trường nhìn chung rất mạnh dạn, dám nói, dám lên tiếng về những vấn đề các em gặp phải trong cuộc sống, trong đó có bạo lực tình dục. Chỉ có một bộ phận sinh viên còn tâm lý e ngại và phòng tư vấn sinh viên ra đời có góc riêng để chia sẻ, có góc để thảo luận nhóm và kết hợp lồng ghép truyền thông thuận lợi nên đã giúp sinh viên thêm mạnh dạn để chia sẻ.
Chia sẻ góc nhìn này, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên cho rằng, vai trò của người truyền lửa rất quan trọng, làm sao để mọi người thấy rằng đây là lợi ích của tất cả mọi người, để mọi người cùng quan tâm, thấy rằng đây là vấn đề cần phải làm cho chính bản thân mình.
Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trần Văn Đạt khẳng định, an toàn trong nhà trường trước hết phải nhận thức rõ bao gồm những vấn đề là an toàn về kiến thức, nhận thức và quan điểm. Thứ hai là tính mạng, sức khỏe, tinh thần hiện đã có nhiều quy định về vấn đề này. Chúng ta đã có hành lang pháp lý để xây dựng trường học an toàn, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử mà trước hết là phải nhận diện được đâu là các hành vi được làm, không được làm… “Đã có một vài trường ĐH có phòng công tác tư vấn tâm lý riêng và có bộ quy tắc ứng xử riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, mỗi trường có đặc thù khác nhau nên có thể sẽ ban hành các quy tắc khung còn mỗi trường sẽ có những quy định riêng để phù hợp với từng trường” - ông Đạt nói.