Băn khoăn tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng tại Quảng Ninh

Nguyễn Quý 08/12/2022 18:39

Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, trong đó vấn đề khá "nóng" được nêu ra là việc tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng.

Những năm qua tỉnh Quảng Ninh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đòi hỏi khối lượng san lấp mặt bằng rất lớn. Theo tính toán nhu cầu khối lượng san lấp đến năm 2025 là 595 triệu m3; giai đoạn 2026-2030 là 510 triệu m3. Do vậy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh Trần Như Long trả lời chất vấn. Ảnh: QMG.

Trước nhu cầu đột biến trong những năm gần đây, đồng thời thực hiện Luật Khoáng sản từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT Quảng Ninh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành Than tham mưu cho UBND tỉnh và Bộ TN&MT xem xét giải quyết một số cơ chế chính sách cấp phép cho sử dụng đất đá thải mỏ đến nay đã có những kết quả nhất định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3.

Thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành Than, sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời xác định 32 vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ có thể làm vật liệu san lấp đưa vào Phương án bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.

Đại biểu Trần Thị Thùy Liên, Tổ đại biểu TP Hạ Long đặt vấn đề quan tâm đến tác động của việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp tới môi trường tự nhiên. Ảnh: QMG.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Thùy Liên, Tổ đại biểu TP Hạ Long đề nghị Giám đốc Sở TN&MT đánh giá rõ tác động đến môi trường của việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

Hiện nay, còn một số ý kiến có băn khoăn, lo ngại việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường, nhất là các khu vực ven biển, gần nguồn nước sinh hoạt; đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết việc sử dụng loại vật liệu san lấp này có đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường hay không; kết quả đánh giá tác động môi trường khi sử dụng loại vật liệu này?

Chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, đại biểu Phạm Thành Trung, Tổ đại biểu TP Uông Bí đề nghị người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ kết quả thực hiện chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng và lợi ích, hiệu quả của chủ trương?

Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở TN&MT làm rõ kết quả thực hiện chủ trương nêu trên? Đến nay tỉnh đã có bao nhiêu khu vực đất đá thải mỏ được cấp phép; đánh giá lợi ích, hiệu quả của nguồn vật liệu san lấp này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương?

Đối với các câu hỏi này, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh Trần Như Long trả lời: Trong các Quyết định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT đều phân biệt đất đá thải mỏ chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng.

Việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại 4 bãi thải gần đây đã bước đầu giải quyết được nhu cầu cầu vật liệu san lấp một số dự án của tỉnh, đã hạ độ cao bãi thải, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nguy cơ sạt lở trong quá trình đổ thải, tăng thu ngân sách (thông qua cấp quyền thu tiền khai thác mỏ)…

Chi phí khi sử dụng đất đá thải mỏ để thực hiện dự án cũng được nhắc tới. Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, làm rõ: Đối với chủ trương dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng dự án, Sở cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tính toán cụ thể. Theo đó, chi phí đối với 1m3 đất, đá thải mỏ để đưa ra san nền sẽ gồm 2 nhóm chi phí: Một là chi phí bốc xếp, vận chuyển đất, đá thải mỏ từ bãi thải mỏ đến điểm tập kết và chi phí từ điểm tập kết đến dự án. Với chi phí thứ nhất, qua tính toán, dao động 30-50 nghìn đồng/m3, thật sự rất là thấp, đó là nhóm chi phí chính thức. Tuy nhiên, chi phí thứ hai là chi phí vận chuyển từ bãi tập kết đến dự án thì phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như phương án vận chuyển, bốc xếp, loại hình, công suất vận chuyển, quãng đường… thì sẽ bị đội lên rất nhiều.

Nguyễn Quý