TP Hồ Chí Minh: Nâng chất giao thông công cộng
Cùng với việc chuẩn bị hoàn thành Nhà ga Khu công nghệ cao, TPHCM sẽ chạy thử tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ngay trước thềm năm mới 2023. Đây là sự kiện đáng mừng trong một năm thành phố phải tháo gỡ dứt điểm các dự án “đội vốn” hoặc thi công “treo” kéo dài.
Tháo gỡ các tồn tại
Dự án tuyến metro số 1, có lộ trình Bến Thành - Suối Tiên được dự kiến hoàn thành vào năm 2023 nhưng từ cuối tháng 11/2022 Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (đơn vị chuẩn bị nhân sự để vận hành) đã báo cáo gặp khó khăn rất lớn do không còn kinh phí để hoạt động. Đối với tuyến metro số 2 (lộ trình Bến Thành - Tham Lương) không sáng sủa hơn khi cũng đi vào “vết xe” của tuyến metro số 1 do các hiệp định vay vốn hết hạn nhưng dự án thậm chí chưa được khởi công. Đối với dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu chính quyền TPHCM vào cuộc làm rõ các chi phí phát sinh, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến việc chậm tiến độ và thi công kéo dài. Điều đáng nói, cả 2 tuyến metro số 1 và 2 đều là các dự án giao thông công cộng lớn của TPHCM được kỳ vọng giải bài toán kẹt xe ở các khu vực cửa ngõ phía đông và tây bắc thành phố.
Trước các bất cập kể trên, tại Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, trước hết sớm vận hành thử tuyến metro số 1 (đoạn Long Bình - Bình Thái) vào cuối tháng 12/2022. Dù vậy, theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện tuyến metro số 1 mới thực hiện được gần 93% khối lượng và chủ đầu tư, các nhà thầu sẽ còn phải tiến hành vận hành thử nghiệm đoạn trên cao từ Suối Tiên đến Bình Thái. Sau vận hành thử nghiệm, công tác lắp đặt thiết bị trên toàn tuyến mới có thể hoàn thành (dự kiến vào tháng 4/2023).
Xét về quy mô vốn đầu tư, hạ tầng vận tải hành khách công cộng, xe buýt cũng được TPHCM rất quan tâm cải thiện về hạ tầng giao thông và chất lượng phục vụ trong năm 2022. Theo ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, để hoạt động giao thông công cộng ngày càng đa dạng và thu hút nhu cầu của người dân hơn thành phố cần tận dụng nguồn lực từ xã hội hóa để phát triển hoạt động xe buýt, trong đó liên quan đến vấn đề trợ giá cần có giải pháp phù hợp. Một mặt cần thoả thuận với doanh nghiệp, mặt khác phải thảo luận với UBND TPHCM để cân đối giữa sản lượng khai thác hành khách tương ứng với kinh phí trợ giá, từ đó tạo điều kiện để các cơ quan quản lý thống nhất được với nhau ngay từ đầu.
Nghiên cứu, thí điểm nhiều loại hình mới
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, kể từ tháng 12/2021 TPHCM đã khai trương dịch vụ xe đạp công cộng đầu tiên ở các tuyến đường thuộc Quận 1, nhưng đến nay đã xây dựng được 43 trạm đỗ xe được bố trí trên vỉa hè của nhiều tuyến đường, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch... Loại hình công cộng này cũng là điểm nhấn trong thu hút du lịch của TPHCM. Cũng theo ông Lâm, việc phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa của TPHCM đã tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố. Nhờ đó, TPHCM tăng cường được hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng khác trong tương lai (metro, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy...). Về lâu dài cũng hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, TPHCM cũng đang phát triển các loại hình giao thông công cộng đường sông, trong đó có loại hình xe buýt sông để giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ. Tuyến buýt sông số 1 với chiều dài 10,8km (quận 1 - TP Thủ Đức) đã được TPHCM khai thác từ tháng 11/2017 và là tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ đầu tiên đang thu hút sự quan tâm của người dân thành phố, nhất là hành khách trẻ. Đối với loại hình giao thông độc đáo này, từ tháng 12/2021, thành phố đã cho phép kéo dài thời gian hoạt động của buýt sông đến 22 giờ hàng ngày. Ngoài tuyến buýt sông đang vận hành, khai thác, Sở GTVT TPHCM cho biết, từ đầu năm 2021, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu (dài 15km) cũng đã được TPHCM vận hành khá hiệu quả, nhất là giúp người dân rút ngắn được quãng đường và tiết kiệm thời gian di chuyển đáng kể so với trước.
Theo ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TPHCM), trong bối cảnh khó khăn sau hai năm đại dịch, đồng thời nửa đầu năm 2022 ngành vận tải hành khách của TPHCM sụt giảm sản lượng so với kế hoạch, thế nhưng việc đa dạng hóa các loại hình giao thông công cộng đang là hướng đi đúng đắn của thành phố. Thời gian tới, TPHCM cũng đang hướng vào nghiên cứu để đưa vào khai thác các tuyến xe buýt mới, trong đó có các tuyến xe buýt liên tỉnh không trợ giá kết nối TPHCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai.