Dân vận khéo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với đặc thù là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận, đặc biệt là công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Nhờ đó, cuộc sống của bà con nhân dân trên địa bàn huyện có những thay đổi đáng kể.
Ông Trương Ngọc Phượng - Ủy ban MTTQ huyện Chiêm Hóa cho biết, toàn huyện có 18 dân tộc trong đó DTTS chiếm 78,4%. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của huyện, sự hướng dẫn của MTTQ cấp trên, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức thành viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác giảm nghèo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành Trung ương và tỉnh trong giai đoạn 2016-2020, huyện Chiêm Hóa được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo; dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở.
Nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo ông Phượng, đối với các nguồn vốn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cơ bản được sử dụng đúng mục đích và phù hợp với chủ trương của huyện về phát triển nông - lâm nghiệp và đặc thù của địa bàn, nhu cầu của các hộ; thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng số lượng và chủng loại theo danh sách được phê duyệt. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong thời gian qua đã góp phần phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn tại các xã, thôn được thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn đã chủ trì tổ chức được 156 đoàn giám sát và giám sát được 156 cuộc.
Qua giám sát một số chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí, một số công trình cấp nước sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng chưa phát huy được hiệu quả do hư hỏng, thiếu nguồn nước dẫn đến một số hộ dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước, gây lãng phí đầu tư... Sau giám sát, MTTQ huyện đã gửi đến các đơn vị được giám sát, UBND huyện và các cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng.
“Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới, nhất là phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong công tác triển khai thực hiện và giám sát Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi, MTTQ các cấp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát của MTTQ; thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện công tác giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước theo quy định...” - ông Trương Ngọc Phượng cho biết.