Lào Cai: Nhân rộng mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Với việc đưa ra các giải pháp đồng bộ, các mô hình phòng, chống tảo tôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, toàn tỉnh đang giảm dần tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS, công tác phòng, chống tảo hôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, trong Kế hoạch số 279/KH-UBND của UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những kết quả đã đạt được trong phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian qua là cơ sở để tỉnh Lào Cai phấn đấu trên địa bàn tỉnh không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; giảm 30% số người tảo hôn so với năm 2021. Để thực hiện tốt việc này, các cấp chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chung tay cùng thực hiện.
Với đặc thù là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, tại huyện vùng cao Bắc Hà từ năm 2018-2021, toàn huyện có 523 người sinh con trước tuổi kết hôn, một số trường hợp sinh con khi mới 13 - 14 tuổi. Một số địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, cha mẹ và họ tộc vẫn cho phép trẻ em gái được kết hôn trước tuổi 18. Các xã có tỷ lệ tảo hôn, sinh con trước tuổi kết hôn cao là: Cốc Ly, Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, trong đó chủ yếu tập trung ở dân tộc Mông và Dao.
Không riêng huyện Bắc Hà, huyện Bảo Thắng đang có 12 xã, thị trấn thuộc khu vực vùng II và một thị trấn thuộc khu vực III, với 24 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây cũng là nơi có đa số đồng bào DTTS sinh sống. Do đó, loại bỏ hủ tục, nhất là tình trạng tảo hôn luôn là nhiệm vụ quan trọng của các xã, thị trấn có liên quan.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, những năm gần đây huyện Bảo Thắng được coi là điểm sáng giảm thiểu tảo hôn; đặc biệt là loại hẳn hôn nhân cận huyết thống ra khỏi đời sống. So với mặt bằng chung của tỉnh và các huyện, thị xã trên địa bàn, huyện Bảo Thắng có tỷ lệ dân số là đồng bào DTTS thấp hơn cả, với hơn 41%.
Việc tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng được UBND huyện Bắc Hà quan tâm. Huyện thường xuyên tổ chức phát động chiến dịch phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Theo đó đã giảm dần được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS...
Bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn, cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Thắng đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cấp huyện, ban hành nhiều kế hoạch chuyên đề, trong đó, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, đảng viên cấp cơ sở đối với công tác phòng, chống tảo hôn.
Nổi bật trong các địa phương triển khai tích cực là các xã Thái Niên, Bản Phiệt, Phú Nhuận, Phong Niên và thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Nông trường Phong Hải với việc xây dựng 14 mô hình điểm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tham gia mô hình, dưới sự hỗ trợ của cán bộ cơ sở và các tổ chức đoàn thể, các hội viên được chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, các thông tin, kiến thức về hậu quả do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra.
Từ hoạt động của các mô hình điểm, ý thức của người dân trên địa bàn về tác hại của tảo hôn, sự cần thiết tham gia ngăn chặn, giảm thiểu tảo hôn đã được nâng lên, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.
“Bài học kinh nghiệm của Bảo Thắng là tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 30/10/2017 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, xóa hiện tượng hôn nhân cận huyết thống ra khỏi đời sống”, bà Chu Thị Hà chia sẻ.
Được biết, trong năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 23 CLB “Nói không với tảo hôn”, được triển khai ở những xã có tỉ lệ tảo hôn cao. Việc áp dụng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt của các CLB đã mang lại kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt tại những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Còn tại các huyện, thị xã, thành phố duy trì 58 mô hình với 3.527 thành viên tham gia. Nhờ đó, các địa phương đã tuyên truyền, vận động được 147 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó có 50 trường hợp là học sinh; kịp thời xử lý vi phạm hành chính 28 vụ tảo hôn.
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và tạo sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội về nâng cao chất lượng dân số; chú trọng tuyên truyền, giáo dục tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.