'Chìa khóa' để chấm dứt bệnh lao
Hiện nay bệnh lao vẫn đang là một trong những loại bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dân trong tỉnh, đem lại gánh nặng lớn đối với cộng đồng, xã hội.
Ngỡ ngàng vì bị mắc Lao
Trải qua nhiều thăng trầm, là quân nhân về hưu ông N.V.T ở TP Hải Dương không thể ngờ mình mắc Lao. Nhận kết quả chụp CT phổi và lấy đờm ( xét nghiệm Acid Fast Bacillus, viết tắt là AFB) cho kết quả dương tính với bệnh lao ông T suy sụp hoàn toàn, ông không thể tin một người không hề có triệu chứng, sinh hoạt lành mạnh như ông lại mắc bệnh lao.
Việc ông T mắc Lao không chỉ là câu hỏi lớn với riêng ông T mà cũng khiến cả nhà ngạc nhiên thậm chí ban đầu còn không tin vào kết quả sàng lọc. “ Bố tôi có bệnh nền tiểu đường type 2 vì vậy hàng tháng đều đi khám bệnh định kỳ hơn nữa trong nhà không có ai mắc Lao nên khi bác sỹ chuẩn đoán trong phổi có vết đốm cả gia đình nghĩ tới trường hợp xấu bố bị K phổi. Nhưng thật may ông bị Lao phổi” – anh M con trai ông T chia sẻ.
Dù đã được Bác sỹ kết luận là mắc Lao thường và không có nguy cơ lây nhiễm cho người khác song ông T vẫn không khỏi ngờ vực. Để tìm cho mình câu trả lời ông tự mày mò search mạng đọc để tìm hiểu. Nhưng càng đọc ông càng thấy mông lung vì những thông tin ông tìm kiếm về bệnh Lao quá ít ỏi. Có chăng chỉ là những con số thông báo số người mắc bệnh lao, những thông tin về cách điều trị, chế độ dinh dưỡng…đều rất ít ỏi.
Cũng giống như ông T, bà N.T.H trú tại Buôn Ky, phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột khi được tin Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk tổ chức khám sàng lọc bệnh lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính miễn phí ngay tại Trạm y tế địa phương bà đã đăng ký đi khám sàng lọc. Sau khi thăm khám, tư vấn, soi đờm, chụp X quang phổi bác sĩ kết luận bà bị bệnh lao phổi kèm đái tháo đường. “ Gia đình không có điều kiện nên không mấy khi đi khám sức khỏe định kỳ. Cũng may nhờ có chương trình khám sàng lọc miễn phí tôi mới biết mắc bệnh và kịp thời điều trị. Tôi không đi đâu và không nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh Lao vậy mà lại bị”, bà H giãi bày.
Đẩy mạnh sàng lọc tại cộng đồng
Hiện nay, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Đáng lo ngại có nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay. Bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao và giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.
Để hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk phát hiện chủ động bệnh Lao, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) đã phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tổ chức khám sàng lọc và điều trị bệnh lao miễn phí cho hơn 2.700 người dân ở 6 xã vùng sâu của huyện Ea H’leo. Theo đó, có khoảng hơn 2.700 người dân sẽ được các y, bác sĩ thăm khám các bệnh về lao, phổi như: nghe tim phổi, lấy mẫu xét nghiệm đờm, chụp X-Quang phổi... khi phát hiện có bệnh sẽ lấy đờm xét nghiệm Gene X-pert và có kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay theo hướng dẫn và phác đồ của Bộ Y tế. Thông thường, một trường hợp xét nghiệm, chụp X-quang phổi để tầm soát bệnh lao sẽ có chi phí khoảng 2,5 triệu đồng. Việc miễn phí xét nghiệm và điều trị có ý nghĩa to lớn đối với người dân nhất là người có hoàn cảnh khó khăn
Tại Đắk Lắk theo thống kê của Bệnh viện Phổi tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số bệnh nhân lao được phát hiện 766 trường hợp, 471 bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn trong đó tỷ lệ điều trị khỏi đạt 93,7%, số bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện là 22 trường hợp, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao kháng thuốc đạt trên 80%, có 47% bệnh nhân điều trị được xét nghiệm HIV.Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, để loại trừ hoàn toàn bệnh lao ra khỏi cộng đồng vẫn là một thách thức rất lớn, bởi số bệnh nhân tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện còn khá cao. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng kỳ thị với người bệnh lao; thời gian điều trị bệnh lao kéo dài; khả năng tiếp cận của người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống bệnh lao.
Theo bác sỹ, thầy thuốc nhân dân Châu Đương- Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguồn lây chính là từ bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm vi trùng theo đường nước bọt ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải nguy cơ bị nhiễm vi trùng lao cao và có thể mắc bệnh lao. Để giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao cần tăng cường các biện pháp khám sàng lọc phát hiện, điều trị sớm và quản lý tốt bệnh nhân lao tại cộng đồng.