Vì sao giải ngân dòng vốn nước ngoài chậm?
11 tháng của năm 2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài mới chỉ đạt khoảng 26% dự toán. Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi xung quanh việc vì sao giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ì ạch.
PV:Ông có thể cho biết tỷ lệ và tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài thời gian qua?
Ông Võ Hữu Hiển: Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài là 34.586 tỷ đồng cho 13 Bộ và 59 địa phương. Trong 11 tháng của năm 2022, qua công tác tổng hợp tình hình giải ngân cho thấy, tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 9.015 tỷ đồng, khoảng 26% dự toán được giao. Như vậy, giải ngân của 11 tháng năm 2022 đang bị chậm. So với giải ngân của năm 2021, 11 tháng 2021 cũng chỉ giải ngân được 22%.
Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
- Trong một số nguyên nhân khách quan, tôi muốn nhấn mạnh đến việc tổ chức thực hiện các chương trình dự án còn vướng mắc. Các vướng mắc vẫn tập trung vào việc chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, đấu thầu; vướng mắc trong đấu thầu, thẩm định; dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay,… dẫn đến không có khối lượng để chuyển Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công.
Thứ nữa, do dự án đầu tư công nói chung, dự án ODA trải dài trên cả nước nên một số khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt nên có một số dự án tại các khu vực này không triển khai được. Ngoài ra là nguyên nhân liên quan đến bố trí kế hoạch vốn.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo vốn cho các bộ, ngành địa phương, cơ quan chủ quản sẽ thực hiện phân bổ chi tiết vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn nước ngoài nói riêng cho các chương trình, dự án cụ thể. Trong phân bổ vốn, đầu năm, có những bộ, ngành, địa phương còn chờ HĐND họp mới phân bổ, mấy tháng đầu năm có chậm. Bên cạnh đó, nhiều dự án phân bổ khi chưa xong thủ tục đầu tư hoặc đang điều chỉnh đầu tư, điều chỉnh dự án hoặc sử dụng vốn dư, có dự án dừng phân bổ. Theo thống kê của chúng tôi, trong khoảng gần 300 dự án được phân bổ nguồn vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài, đến nay, vẫn còn khoảng 114 dự án chưa giải ngân. Nguyên nhân chính là do thủ tục, tổ chức triển khai thực hiện các dự án này chưa hoàn thành.
Cũng có thể nói về nguyên nhân từ khuôn khổ, thể chế chính sách. Chẳng hạn, trong thiết kế cơ sở phải có bộ chuyên ngành xem xét thẩm định; trong công tác phòng, cháy chữa cháy vẫn có việc thẩm định nhất định của Bộ Công an; trong một số định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt với các dự án đường sắt đô thị thì chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng… nên các chủ dự án, cơ quan chủ quản còn lúng túng trong triển khai, dẫn đến chậm giải ngân. Nguyên nhân khác từ phía nhà tài trợ trong việc đề xuất gia hạn dự án...
Vậy Bộ Tài chính sẽ đề xuất các giải pháp gì đẩy nhanh tốc độ giải ngân dòng vốn này?
- Tháng cuối năm chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xử lý theo hướng: Đề nghị các chủ dự án đã có khối lượng hoàn thành hoặc đang thực hiện việc nghiệm thu các khối lượng hoàn thành, tập hợp chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước khẩn trương kiểm soát chi, trên cơ sở đó gửi Bộ Tài chính làm thủ tục gửi nhà tài trợ thanh toán khối lượng này. Theo quy định của Luật Ngân sách, niên độ ngân sách đến 31/1/2023, nhưng do Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1/2023, các chủ dự án cần gửi hồ sơ trước ngày 10/1/2023 để có thời gian gửi nhà tài trợ xem xét giải ngân theo quy định.
Đối với các vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, tái định cư, đấu thầu, tổ chức thực hiện dự án, thẩm định, phê duyệt, các vấn đề vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, đề nghị các cơ quan chủ quản chỉ đạo các chủ dự án sớm rà soát.
Thưa ông, vừa rồi có 8 Bộ, ngành và 33 địa phương xin trả lại vốn. Việc này cụ thể thế nào và hướng xử lý ra sao?
- Về việc trả lại kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022, các chủ dự án chắc chắn đã rà soát tiến độ khả năng giải ngân để báo cáo cơ quan chủ quản đề xuất với cấp có thẩm quyền trả lại số vốn không có khả năng giải ngân trong năm. Có nguyên nhân có một số dự án không thể giải ngân phải đề xuất trả lại kế hoạch vốn như chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, dừng triển khai, chưa hoàn tất các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, ảnh hưởng của thiên tai... Đến nay, chúng tôi đã tổng hợp, có khoảng gần 12.626 tỷ đồng (36,5% kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương) được các Bộ, ngành, địa phương có văn bản chính thức đề xuất trả lại kế hoạch vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét theo quy định.
Đối với số vốn không thể giải ngân đề nghị trả kế hoạch vốn này, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ tiến độ thực hiện dự án đã điều chỉnh để bố trí vào kế hoạch vốn của năm tiếp theo đối với các Hiệp định vay vẫn còn thời hạn giải ngân. Đối với các hiệp định hết thời hạn giải ngân, không được gia hạn thời hạn giải ngân trong năm tiếp theo thì số vốn vay nước ngoài không thể sử dụng sẽ được cơ quan chủ quản báo cáo cấp có thẩm quyền và gửi nhà tài trợ huỷ vốn vay này và bố trí nguồn vốn khác để hoàn thành dự án.
Trân trọng cảm ơn ông!